Thương vụ đấu giá nghìn tỉ đồng: Ngang nhiên “phá luật chơi” khiến dư luận bức xúc
Pháp luật - Bạn đọc 12/12/2019 08:51
Những vi phạm trong công tác đấu giá dự án KDC Hòa Lân, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương mà Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận đã cho thấy nhiều điểm còn “nhập nhèm” trong công tác đấu giá và khả năng dẫn đến hậu quả nặng nề hoàn toàn có thể xảy ra.
Biến trả ngay thành trả dần?
Dù trước lúc bán đấu giá dự án, phía Agribank Chợ Lớn cũng như Công ty bán đấu giá đã có thông báo về phương thức thanh toán trong vòng 45 ngày. Nếu không thực hiện đúng thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản. Số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại, đồng thời phải chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, tiền lãi chậm trả đối với thanh toán không đúng như quy định nói trên… và đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp thuận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán tài sản cho người khác mà không có bất kì thắc mắc, khiếu nại gì.
Dự án KDC Hòa Lân |
Ngoài ra các điều khoản cũng thể hiện rõ, người mua tài sản bán đấu giá phải bồi thường thiệt hại cho bên bán đấu giá toàn bộ phí, chi phí bán đấu giá theo quy định. Không chỉ thế, điều khoản thanh toán trong 45 ngày tiếp tục được thống nhất trong biên bản bán đấu giá thành ngày 25/5/2017.
Đặc biệt, tại Văn bản số 8298/NHN0-HSX năm 2014 của Agribank Việt Nam về việc hướng dẫn một số vấn đề xử lí tài sản bảo đảm đã nêu rõ tại mục 17.2 về phương thức trả dần như sau: Nếu thời hạn trả dần, người mua tài sản chậm thanh toán từ 2 lần trở lên thì Agribank nơi cấp tín dụng xem xét khởi kiện hoặc thu hồi lại tài sản và xử lí theo pháp luật.
Như vậy, nếu chiếu theo các cam kết, thỏa thuận và quy định nói trên thì dù trả ngay hay trả dần Công ty Kim Oanh cũng đã vi phạm (Theo Kết luận Thanh tra Bộ Tư pháp thì Công ty Kim Oanh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán 4 lần). Thế nhưng, hết lần này đến lượt khác, tháng này qua năm khác, Agibank Chợ Lớn đã làm trái với chính mình lẫn quy định của Agiribank Việt Nam và không có bước đi dứt khoát, hữu hiệu nào để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
“Đánh cược” với hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước?
Nên nhớ rằng đây là tài sản Nhà nước, với số tiền hơn 1 nghìn tỉ đồng, chứ không phải một vài triệu đồng. Dù chưa có kết luận nào xác định Nhà nước có thiệt hại trong trường hợp này, nhưng cũng không thể biện hộ rằng, dù Công ty Kim Oanh trả chậm nhưng vẫn phải đóng lãi chậm nên Nhà nước không có thiệt hại, bởi hoạt động ngân hàng (vốn của Nhà nước) không chỉ cho vay để lấy lãi, mà còn sử dụng vào nhiều mục đích khác... Hơn nữa, việc cho trả chậm cũng có thể khiến Nhà nước gặp rất nhiều rủi ro khi doanh nghiệp đó rơi vào khủng hoảng, phá sản.
Agibank Chợ Lớn. |
Dư luận đặt vấn đề, liệu có “lợi ích nhóm” trong trường hợp này hay không? Vì sao Agribank Chợ Lớn không làm rốt ráo vào thời điểm đó, không nhất quán để tiến hành các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước một cách hiệu quả nhất? Cụ thể, khi quá 45 ngày, phía Công ty Kim Oanh không đóng hết tiền thì buộc phải hủy bán đấu giá để đấu giá lại nhằm tìm được doanh nghiệp đủ năng lực.
Vẫn biết rằng, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp lúc khó khăn là hết sức cần thiết, nhưng không phải tạo theo cảm tính, nhất là khi tài sản đó là của Nhà nước. Việc ưu ái đó đã khiến nhiều người bức xúc vì họ cảm thấy có sự đối xử không công bằng. Hơn nữa, nếu cứ “du di” kiểu đó thì khả năng tiêu cực, thông đồng, móc ngoặc là hoàn toàn có thể xảy ra bởi, thanh toán ngay với số tiền ngàn tỉ thì doanh nghiệp khó xoay xở, nhưng khi trúng đấu giá lại cho trả dần như trường hợp này thì quá đơn giản với rất nhiều doanh nghiệp.
Việc biến từ trả ngay thành trả dần cũng khiến người có tài sản bức xúc. Vì nợ nần mà Công ty Thiên Phú đành ngậm ngùi để Agribank Chợ Lớn bán đi “đứa con” của mình mười mấy năm “nuôi nấng”. Nhưng cho dù có “gán con” thì Công ty Thiên Phú cũng chưa hết món nợ khổng lồ với Agribank Chợ Lớn, bởi theo tài liệu PV có được thì vào ngày 25/2/2019 Agribank Chợ Lớn thông báo Công ty Thiên Phú còn nợ hơn 600 tỉ đồng và giục Công ty này phải nhanh chóng trả. Như vậy, tổng số tiền mà Thiên Phú nợ Agribank Chợ Lớn (kể cả tài sản đã bán đấu giá) là gần 2.000 tỉ đồng.
Vậy tại sao Agribank Chợ Lớn lại không khởi kiện Công ty Kim Oanh để yêu cầu tòa án có thẩm quyền tuyên hủy cuộc đấu giá này vì thực tế Công ty Kim Oanh đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán? Việc hủy để bán đấu giá lại có thể thu về cho Nhà nước toàn bộ số tiền mà phía Công ty Thiên Phú nợ gần vài nghìn tỉ đồng (kể cả số tiền Công ty Thiên Phú không có khả năng trả), bởi theo đánh giá của giới chuyên gia thì, nếu đầu năm 2019 đem ra bán đấu giá dự án này với số tiền vài, ba nghìn tỉ sẽ có nhiều doanh nghiệp xếp hàng để tham gia.
Việc đấu giá lại không chỉ giúp Agribank Chợ Lớn thu trọn được vốn cho Nhà nước gần 2 nghìn tỉ đồng, mà còn có thể thu thêm cả khoản tiền cọc, tiền mà Công ty Kim Oanh đã thanh toán. Ngoài ra, Công ty Thiên Phú cũng không rơi vào tình trạng khốn đốn vì đấu giá lên cao thì Thiên Phú vừa trả hết nợ cho Agribank, vừa có thể có dư để trang trải. Nếu không làm như vậy thì không chỉ Nhà nước có khả năng bị thất thu hàng trăm tỉ đồng, mà Công ty Thiên Phú cũng có thể phá sản với khối nợ nần chồng chất.
Vậy tại sao việc đó lại không diễn ra, mà phía Agribank Chợ Lớn lại rất tích cực “ưu ái” Kim Oanh bằng cách liên tục gửi văn bản cho tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng tỉnh này tạo mọi điều kiện cho Kim Oanh?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin chi tiết trong bài viết tiếp theo.