Kí ức thuở binh nhì
Đời sống 30/04/2020 08:36
Đơn vị đóng quân ở nhà dân. Tôi ở trong gia đình đầu thôn, còn Lập thì ở giữa thôn. Hằng ngày chúng tôi ra đình học chuyên môn, bàn không có, ghi chép tài liệu phải kê lên đầu gối. Các lớp huấn luyện đang vào guồng thì cuối tháng 1/1975, Binh chủng Thông tin xuống điều động một bộ phận đi B. Không khí đơn vị tuy không ai nói ra nhưng khá nặng nề và lác đác có trường hợp “tụt tạt”.
Đúng lúc ấy, tôi thấy Lập có vẻ buồn buồn. Đợi lúc thuận tiện tôi hỏi: “Mày có chuyện gì à?”. Lập lắc đầu. Tôi ngẫm nghĩ, chẳng lẽ thằng này muốn đào ngũ hay là vướng vào chuyện yêu đương. Thường thì tôi và Lập không giấu nhau điều gì. Hoàn cảnh gia đình đều cơ bản, đời sống tuy khó khăn nhưng cả nước ai chả thế. Còn chuyện tình cảm, mới 18, 19 tuổi đầu, chưa thằng nào có mối tình vắt vai… với lại đời lính thời chiến thì “chó nó lấy”. Ấy là tôi với Lập cứ hay trêu chọc nhau như vậy… Thế mà bỗng dưng cu cậu lại dở chứng…
Bẵng đi vài hôm, sau tối sinh hoạt đơn vị, tôi đi gác phiên đầu. Qua nhà Lập ở, tôi giật mình khi thấy 3 ông lính nhà ta vẫn ôm súng ngồi vạ vật ở cổng. Tôi hỏi: “Sao còn ngồi đây?”. Lập thì thào: “Chủ nhà đang họp họ. Căng thẳng lắm, vào không tiện”. Tôi gặng thêm thì Lập bảo: “Thôi, để mai tao kể!”. Suốt đêm đó tôi cứ mong chóng sáng để nghe Lập kể chuyện gì.
Thì ra là chuyện của cô con gái ông chủ nhà Lập ở. Cô gái ấy trạc tuổi chúng tôi và khá xinh đẹp. Học xong lớp 7, cô ở nhà làm ruộng và đan hàng mây tre theo nghề truyền thống của làng như nhiều cô gái khác. Làng quê ở đây trong thời chiến cũng rất vắng thanh niên, nên khi có bộ đội về ở trong nhà, cô vui lắm. Hằng ngày cô trò chuyện ríu ran, đôi má bất chợt lại ửng hồng khiến Lập và anh em cứ thấy ngài ngại.
Cách đây chừng nửa tháng, ông bác cả trong họ sang đánh tiếng, rằng có một người trong làng nhờ đến hỏi cô làm vợ. Người này có danh phận đàng hoàng, gia đình khá giả nhưng bị thọt một chân nên không phải đi bộ đội. Bố mẹ cô gái đồng ý, nhưng cô gái thì nhất định không nghe, thành ra tối qua mới có cuộc họp họ để thuyết phục. Thoạt đầu cô ấy cũng phản kháng ghê lắm nhưng sau cả họ xúm vào nói gay gắt, nên cô ấy đành chấp nhận. Cái lí mà cả họ đưa ra là: Chiến tranh còn dài, con gái có thì, nếu muốn lấy chồng lành lặn thì chỉ có ế hoặc chờ khi nào giải phóng miền Nam. Mà lúc ấy có khi vẫn lấy phải người què cụt chứ hơn gì…
Nói đến đây, Lập thở dài: “Sáng nay, tao thấy mắt cô ấy sưng húp và buồn lắm!”. Tôi hiểu, Lập biết câu chuyện của cô gái từ khi nó bắt đầu và có lẽ cũng muốn đứng về phía cô, nhưng sự giữ ý của người lính đã không cho Lập làm điều đó. Thành ra suốt nửa tháng nay Lập buồn và bây giờ thì tôi cũng buồn.
Một tuần sau, đám hỏi cô gái diễn ra và 1 tuần sau nữa thì đám cưới được tổ chức theo đời sống mới. Một tháng sau, chúng tôi rời làng, hành quân lên tuyến đường dây làm nhiệm vụ. Hai tháng sau là ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và ở các làng quê đã có nhiều người lính trở về…
Từ ấy, tôi không có dịp quay lại ngôi làng ấy nữa. Còn Lập sau này trở thành cán bộ Đại đội rồi phục viên. Năm ngoái, Lập mất vì tiểu đường biến chứng. Chút kí ức thuở Binh nhì này theo tôi suốt 45 năm qua và cho đến bây giờ vẫn khiến tôi day dứt. Bởi trong mỗi cuộc chiến tranh, cùng với sự hi sinh của người lính ngoài mặt trận, còn có những mất mát vô hình ở hậu phương mà không mấy ai để ý.