Hoang hoải Đồng Dương
Đời sống 05/12/2024 08:55
Chạnh lòng Tháp Sáng
Trên một vùng đồng bằng lúa tốt phì nhiêu xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) lâu nay vẫn được biết đến là địa điểm của một Phật viện từng được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. Phật viện Đồng Dương được hai nhà khoa học thuộc viện Viễn Đông Bác cổ là L.Finot phát hiện năm 1901 và H.Parmentier khai quật năm 1902.
Tháp Sáng đã xuống cấp trầm trọng, phải chống đỡ bằng hệ thống cột thép. |
Theo tài liệu, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara. Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa. Phật viện Đồng Dương vừa là kinh đô, vừa là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ xưa, mà nó còn có sức lan tỏa và ảnh hưởng tới các quốc gia Đông Nam Á đương thời. Nhưng toàn bộ thông tin về giá trị của Phật viện Đồng Dương chủ yếu căn cứ vào các tư liệu nghiên cứu của Viện Viễn đông Bác cổ, các chuyên gia người Pháp để lại và qua nhiều hội thảo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot người Pháp, đã phát hiện 229 cổ vật, đặc biệt có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét (108cm) mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Phật viện Đồng Dương là một khu di tích đặc biệt quan trọng trong lịch sử mĩ thuật, văn hóa và tôn giáo Chămpa có quy mô và giá trị to lớn nhưng trải qua thời gian, biến động thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, chiến tranh và con người nên đã trở thành phế tích.
Phần còn lại của phế tích là một cổng được người dân gọi là Tháp Sáng, theo dự đoán là mảng tường thuộc mặt Tây của tháp, hiện đang được chống đỡ bằng hệ thống dàn chống bằng thép ống với mục đích gia cố, chống đỡ khẩn cấp. Phía mặt Bắc là bộ khung cửa bằng đá sa thạch cũng được dựng lại tại vị trí gốc. Còn lại chỉ là những đống gạch đổ nát, những tấm bia đá lớn cùng nhiều hiện vật khác nay vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp cây cỏ dày đặc bao phủ toàn bộ khu vực di tích.
Vậy là đã hơn 1200 năm tồn tại. Bây giờ, Đồng Dương chỉ còn là phế tích. Vắng người, khuôn viên rộng lớn càng hoang lạnh dưới nắng chiều. Chỉ thấy cỏ mọc um tùm kín hết lối đi. Nếu không có Tháp Sáng đột ngột khởi lên giữa nền gạch đá ngổn ngang đổ nát, thật khó hình dung nơi đây vốn là trung tâm kiến trúc Phật giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Chămpa cổ xưa. Hiện nay, Tháp Sáng là chứng tích cuối cùng của Phật viện Đồng Dương. Nhưng một dấu tích được coi là duy nhất còn lại cũng chấp chới trong cơn ngã đổ phải chằng chống nhiều năm nhưng không biết sẽ còn trụ lại được đến bao giờ. Những dây leo cứ ngày ngày quây lấy thân, dồn ép tháp vào giữa.
Tháp Sáng là chứng tích cuối cùng của Phật viện Đồng Dương. |
Từng người dân, chính quyền thôn rồi xã, tới huyện và tỉnh Quảng Nam đã cố gắng gìn giữ bằng cách chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây mấy năm rồi. Người ta cứ xót xa mà đặt câu hỏi rằng, không biết khi nào thì Tháp Sáng đổ? Và Phật viện Đồng Dương chắc chỉ còn trong dĩ vãng. Nhiều người cũng biết đó là di tích cấp quốc gia đã được phong năm 2001 và trở thành Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Nhưng, công trình kiến trúc lịch sử có giá trị lâu đời cứ chực đổ sập, hoang phế, rệu rã dần theo thời gian. Các hạng mục Tháp Sáng được chằng chống cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt. Không những thế, những hoa văn, điêu khắc thời văn hóa Chămpa cũng bị rêu bụi phủ mờ, chung quanh khu di tích cỏ cây mọc um tùm, nhếch nhác.
Trước đây, nhiều đoàn nghiên cứu đã đến khảo sát nhằm có hướng tôn tạo, hi vọng có thể làm “sống” lại di tích giá trị này. Rồi những viễn cảnh tươi sáng khi một ngày nào đó sẽ trở thành điểm du lịch lí thú, hấp dẫn như thánh địa Mỹ Sơn, từ đó sẽ kéo theo đông đảo khách du lịch về đây, người dân có thể tìm thêm thu nhập từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch. Nhưng Phật viện Đồng Dương ngày càng hoang tàn, giấc mơ về điểm du lịch văn hóa hấp dẫn cứ ngày càng xa xôi…
Toàn cảnh Phật viện Đồng dương theo tài liệu của các nhà khảo cổ Pháp. |
Cứu lấy Đồng Dương
Nhiều năm qua, người dân lẫn chính quyền địa phương đôi lúc cũng thấy chạnh lòng, ngậm ngùi. Chính quyền xã biết nhưng bất lực vì không đủ kinh phí. Chính quyền huyện cũng biết nhưng chẳng thể làm gì hơn bởi ngoài tầm. Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng rất sốt sắng, nhưng đây là di tích quốc gia đặc biệt nên cần có động thái từ Trung ương và kinh phí thực hiện rất lớn.
Năm 2011, chứng kiến sự xuống cấp của khu di tích Phật viện Đồng Dương, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng như các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học đã nhiều lần ngồi lại bàn phương án “giải cứu”. Năm 2012, tỉnh Quảng Nam đầu tư 3 tỉ đồng khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng Dương cũng như chống đỡ khẩn cấp cổng Tháp Sáng bằng hệ thống sắt thép chằng chịt. Năm 2023, đoàn chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương. Ngày 24/1/2024, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội có công văn số NV/104/DP/2024 do Phó đại sứ Subhash P.Gupta kí, gửi ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc cho ý kiến về hoạt động trùng tu và khôi phục tại khu vực của Phật viện Đồng Dương.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trước thực trạng trên, ngày 22/10/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 8139 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị Tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Theo đó, dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500m2. Đồng thời thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225m2, bao gồm các công việc: Tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; tháo dỡ dàn sắt chống đỡ hiện trạng; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lí cây dại xâm thực trên tường gạch gốc… với tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 2023 - 2025.
Cuộc khảo cổ năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot đã phát hiện 229 cổ vật. (ảnh tư liệu) |
Cùng với đó, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án khảo cổ, khai quật, thám sát..., rồi lập quy hoạch tổng thể. Nhưng có lẽ việc phục dựng lại di tích Phật viện Đồng Dương hoàn toàn không đơn giản là công việc thách thức các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế bởi sự hoang tàn, đổ nát gần như bình địa.
Kinh phí đã có, kế hoạch cũng đã có, công việc phục chế, trùng tu theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng bộ. Công việc này cần có một phương án khả thi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Đồng Dương cần thiết phải được bảo tồn và trùng tu vì những giá trị văn hóa đặc biệt mà di tích sở hữu.
Chỉ cầu mong cho những viên gạch đỏ, những mảng phù điêu, những tượng Phật được lưu giữ lại và làm đổi thay số phận khu tháp này. Dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng mà không bị đứt gãy mạch nguồn văn hóa cha ông.