Kì họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV: Bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân
Vấn đề hôm nay 24/05/2024 17:01
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kì họp thứ 6. Ngay sau kì họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lí dự án Luật này tại Phiên họp thứ 30, sau đ tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của QH, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo Luật trình QH tại Kì họp này.
Đề nghị các ĐBQH tập trung cho thêm ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật bao gồm: Thẩm quyền quản lí tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; hoạt động dịch vụ lưu trữ; bổ sung quy định về ngày lưu trữ Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tổng thư kí QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên thảo luận |
Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng thư kí QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết: Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lí gồm 8 chương, 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng xã hội lưu trữ.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các dự án luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin... Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân, bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là một nội dung mới được quy định trong dự thảo luật này (tại Điều 8).
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề lưu trữ, ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Tại điểm b, Khoản 4, Điều 56 dự thảo Luật quy định những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ có nội dung: “Đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lí hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, chưa thống nhất với Khoản 3, Điều 2 Luật Xử lí vi phạm hành chính. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh quy định dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp với quy định Luật Xử lí vi phạm hành chính…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường |
Chiều cùng ngày, ĐBQH thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Còn Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các Bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Đó là: Về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lí Nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm…/