Sửa đổi Dự án Luật Công chứng cân nhắc việc mở văn phòng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân
Tin tức - Sự kiện 25/06/2024 18:25
Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV |
Phát biểu và chỉ đạo ở hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Trước đó, ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội thảo luận tại tổ và có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội. Ngay sau đó, TTK Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu tán thành với các quy định của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật.
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) cho rằng, cần mở rộng quyền lựa chọn mô hình của các văn phòng công chứng. Bởi, hiện nay có 4 mô hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trong đó, có 2 loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao. “Việc dự thảo quy định văn phòng công chứng chỉ được hoạt động dưới mô hình công ty hợp danh có thể dựa trên những đặc điểm trên. Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định dự thảo Luật cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư.” .
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) |
Do vậy, dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Còn ĐB Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, Quốc hội nên xem xét về việc bổ sung một số quy định về thành lập văn phòng công chứng và thủ tục công chứng giao dịch. Thứ nhất, quy định về thành lập phòng công chứng tại khoản 1 Điều 18, phòng công chứng chỉ được thành lập mới tại các địa bàn cấp huyện chưa phát triển các văn phòng công chứ. Như vậy, chưa phù hợp với chủ trương Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và tình hình phát triển thực tế của từng địa phương, gây khó khăn cho Nhân dân có nhu cầu công chứng và ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thứ hai, về thủ tục công chứng giao dịch được quy định tại Chương 5 của dự thảo Luật này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm pháp lí cho các giao dịch quan trọng đối với kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an ninh kinh tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Báo cáo về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội…/.