Khủng hoảng năng lượng biến thành khủng hoảng lương thực ở châu Âu
Quốc tế 23/11/2022 09:09
Tình hình trên cũng gây ra hệ lụy lớn đối với các ngành công nghiệp tương ứng khác. Nổi bật là việc các công ty sản xuất phân bón buộc phải đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu phân bón lại giảm xuống, vì các nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu là Nga và Belarus đang là mục tiêu trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Cả hai quốc gia trên đã trả đũa bằng cách cắt giảm xuất khẩu phân bón sang châu Âu. Trong khi đó, giới chức châu Âu bào chữa rằng, nếu không trừng phạt ngành xuất khẩu phân bón thì khu vực này cũng không thu được lợi ích gì.
Theo số liệu do Finacial Times (FT) trích dẫn từ Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại Mỹ (IATP), Nga chiếm 45% nguồn cung amoniac nitrat, 18% nguồn cung muối kali và 14% phosphate trên toàn cầu. Muối chứa kali là một trong những thành phần chính của phân bón. Cùng với Nga, Belarus cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, đặc biệt là kali. Tuy nhiên, Belarus đã bị EU trừng phạt từ năm 2021 do các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tình hình thiếu hụt nguồn cung phân bón đã tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của châu Âu, thậm chí có nguy cơ dấy lên một cuộc khủng hoảng mới, trong bối cảnh chi phí năng lượng đắt đỏ buộc nông dân EU thu nhỏ quy mô chăn nuôi và trồng trọt.
Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt là các liên kết ở châu Âu hiện không thuận lợi. |
Giống như đối với khí đốt, EU tính toán trước khi hành động, bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp phân bón thay thế. Theo báo cáo của mạng lưới truyền thông châu Âu EurActiv, Maroc là một lựa chọn vì nước này đang cung cấp khoảng 40% lượng phosphate của châu Âu. Con số này thậm chí có thể tăng lên đáng kể.
Trung Á là một sự thay thế khác, cụ thể hơn là Uzbekistan. Hiện tại, Uzbekistan xuất khẩu phân bón chủ yếu sang châu Á và một số nước Trung Đông nhưng điều này có thể thay đổi sau cuộc họp cấp bộ trưởng EU - Trung Á, đang diễn ra tại Uzbekistan.
Ngành phân bón châu Âu đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Một mặt, sản xuất phân bón nội địa suy giảm do chi phí năng lượng cao ngất ngưởng. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt gây ra phản ứng không mong đợi từ phía Nga. Tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào phân bón nhập khẩu khiến khu vực này trở nên dễ bị tổn thương, có thể dẫn tới cú sốc về lương thực cũng như bộc lộ những yếu điểm khác của khu vực này.
Dường như không có giải pháp tức thì cho khó khăn hiện tại của châu Âu. Ngay cả khi châu Âu tìm thấy đủ nguồn thay thế cho tất cả lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và Belarus, hóa đơn của họ sẽ “phình to” tương tự như hóa đơn năng lượng, khi họ chuyển đổi từ khí đốt của Nga sang mua khí hóa lỏng (LNG). Và điều này sẽ thúc đẩy lạm phát hơn nữa.
Báo cáo của Viện Chính sách Thương mại và Nông nghiệp (IATP) cho biết, các quốc gia G20 trả gần gấp đôi số tiền nhập khẩu các loại phân bón chính vào năm 2021 so với năm 2020 và con số này sẽ gấp ba lần vào năm 2022, tương đương với việc phải chi thêm 21,8 tỉ USD. Nguyên nhân chính của việc tăng giá phân bón là do lạm phát chi phí năng lượng vì sản xuất phân bón là quy trình sử dụng nhiều năng lượng. Và điều này sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu do khu vực này đang ở một vị thế không thuận lợi.
Có thể thấy, Nga tiếp tục cung cấp phân bón cho các nước châu Phi do các nước này không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva. Trong khi đó, châu Âu không thể đảo ngược quyết định trừng phạt Nga để mua phân bón từ nước này vì sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của EU…