Không xa đâu Trường Sa ơi...
Văn hóa - Thể thao 27/04/2020 16:43
Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh năm 1950 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã sáng tác 15 ca khúc về Trường Sa. Người nghe nhạc cả nước đều thân quen với ca khúc: “Gần lắm Trường Sa” của ông: Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trương Sa luôn bên em/ Thương nhớ sao với người chiến sĩ Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi…
Khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ chưa có dịp đặt chân lên quần đảo Trường Sa thân yêu (cho đến nay, ông cũng chỉ đến được Trường Sa một lần duy nhất). Nhạc sĩ bồi hồi nhớ và kể lại những kỉ niệm về Trường Sa. Lần ấy, khi tới thăm phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, nhạc sĩ được xem một số ảnh trắng đen chụp cảnh sinh hoạt trên đảo, được xem bộ phim tài liệu “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” với những chi tiết sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi những người lính trẻ nhớ về đất liền… Bao tình cảm dạt dào chỉ biết tỏ bày qua những cánh thư… Ông cảm thấy một cái gì đó rất lạ dấy lên trong suy nghĩ và quả quyết ghi vào lưu bút của Lữ đoàn: "Sẽ có một bài hát về Trường Sa”. Nhưng, từ năm 1980, đến 1981, rồi 1982, ý định ấy của ông vẫn chưa thực hiện được.
Cho đến khi dự trại sáng tác được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, một chiều, ông đạp xe dạo dọc con đường Trần Phú. Trong gió biển mơn man, người nhạc sĩ ấy bắt gặp một cô gái mặc áo dài (hình ảnh hiếm lúc bấy giờ) đang đứng ngắm biển. Ông tự nghĩ, có khi nào người yêu cô ấy ở Trường Sa? Nếu như cô gửi lời yêu thương vào gió, thì ở nơi đảo xa, người yêu của cô có nghe được lời yêu thương trong gió đó không? Chợt nhớ về câu ca dao mà mẹ ông vẫn thường đọc: Khi xa sát vách cũng xa/ Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần. Bỗng một giai điệu chợt lóe lên trong đầu ông: Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em... Ông viết vội vào tờ giấy và về trại, rồi trở về ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Ninh Hòa, nơi có người mẹ từng đọc cho ông nghe câu ca dao xưa. Dưới hoàng hôn chạng vạng, ông kéo ghế ra trước sân để viết. Trong không gian ấy, cảm xúc tuôn trào, ông hoàn thành bài hát “Gần lắm Trường Sa” chỉ trong mấy chục phút. Khi trại sáng tác bế mạc, tác phẩm của ông trở thành bài hát tiêu biểu.
Khoảng năm 1983, nữ ca sĩ trẻ Anh Đào mang ca khúc này ra đảo biểu diễn. Sau đó, nhạc sĩ sáng tác ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”, thêm một bài hát ra đời khi ông chưa từng đến Trường Sa.
Điều làm ông vui nhất là những gì ông thể hiện trong hai ca khúc trên đều rất giống với hiện thực, nhất là tình cảm của những người lính đảo đối với đất liền, đối với Tổ quốc.
Năm 1984, lần đầu tiên ông được ra thăm quần đảo Trường Sa, chuyến đi dài 30 ngày, đến được 13 đảo. Thực tế chuyến đi đã giúp ông “kiểm nghiệm” những gì đã viết về Trường Sa.. Ngày đó, ở Trường Sa chưa có ti vi, điện thoại, ra-đi-ô thì đảo có đảo không, còn báo chí, thư phải từ 3 đến 6 tháng mới có một chuyến.
Năm 1982, bài hát “Gần lắm Trường Sa” ra đời, khi đó nhạc sĩ Hình Phước Long 32 tuổi, nay ông đã 70. Và “Gần lắm Trường Sa” vẫn là một dấu son trong sự nghiệp âm nhạc của ông cùng với “Tiếng hát đảo Sơn Ca”, “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”, “Đêm trên đảo Thuyền Chài”…
Với giai điệu thân thương, gần gũi, gần 40 năm qua, bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Phước Long đi vào lòng người bởi Trường Sa- một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.