Hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Văn hóa - Thể thao 27/03/2025 09:25
![]() |
Chùa Thầy gắn liền với tên tuổi của vị danh tăng Từ Đạo Hạnh - người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ thời Lý - Trần |
Chuyến đi này, gọi là du Xuân nhưng còn nội dung giao lưu văn hoá với CLB Văn học - Nghệ thuật Sài Sơn, đồng thời là hành trình về nguồn cội, một dịp để chiêm nghiệm về những giá trị văn hóa truyền thống. Chùa Thầy nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, nơi lưu giữ biết bao huyền thoại, tâm linh và vẻ đẹp trầm mặc, sẽ mãi mãi là một phần kí ức không thể phai mờ trong lòng những người yêu xứ Đoài. Một nhà thơ trong đoàn cảm thán: “Lần đầu tiên tôi đến chùa Thầy vào năm 1969, khi còn là một cậu bé, được tham gia trại sáng tác thanh thiếu niên tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng có một điều chắc chắn, những kí ức về chùa Thầy, về vùng đất Sài Sơn vẫn in đậm trong tôi, để mỗi lần trở lại, tôi vẫn xúc động khó tả. Chùa Thầy không chỉ là một danh thắng của xứ Đoài, mà còn là nơi mang đậm dấu ấn thi ca và huyền thoại”.
Sài Sơn là vùng đất lạ lẫm nhất mà tôi biết, cái lạ nhất là ở giữa đồng bằng lại mọc lên quả núi đứng chơ vơ một mình, đó là núi Thầy mà xung quanh và trên quả núi là quần thể chùa, đền, am… linh thiêng mang nhiều giá trị văn hoá và lịch sử. Gọi là núi Thầy thực chất là tên Nôm do người dân đặt ra mà thành, vì đây là nơi tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh, là người dạy dân nhiều nghề, trong đó có nghề múa rối nước, nên người dân gọi ông bằng Thầy. Bởi vậy ngôi chùa ở đây cũng được gọi là chùa Thầy. Chùa Thầy không đơn thuần chỉ là một danh lam thắng cảnh, mà còn là một trung tâm văn hóa - tôn giáo quan trọng của miền Bắc.
![]() |
Lối kiến trúc cổ kính, giản đơn của các ngôi chùa |
Ngôi chùa này gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lịch sử Việt Nam không thiếu những bậc cao tăng, nhưng hiếm ai để lại dấu ấn đậm nét trong lòng dân gian như thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngài không chỉ là một bậc chân tu đắc đạo, mà còn là nhân vật trung tâm của những truyền thuyết huyền bí, vừa thoát tục cũng vừa gần gũi với đời thường. Sinh ra vào thời Lý (khoảng thế kỉ XI - XII), giai đoạn mà Phật giáo thịnh hành, thiền sư Từ Đạo Hạnh mang trong mình tinh thần từ bi của đạo Phật, nhưng cũng có sự minh triết của một bậc trí giả. Ngài dứt bỏ hận thù, quy y cửa Phật, chọn con đường tu hành để thoát tục. Người ta kể rằng, trong những năm tu tập tại vùng núi Sài Sơn, Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đạt đến cảnh giới cao, có thể thi triển nhiều phép thần thông, chữa bệnh cứu người, hoặc hô mưa gọi gió, biến hóa khôn lường. Nhưng điều khiến Nhân dân tôn kính nhất lại không nằm ở những phép lạ ấy, mà chính là tấm lòng từ bi và tinh thần phụng sự đạo pháp của ngài. Chùa Thầy, nơi ngài từng tu hành vẫn còn đó, như một chứng nhân lịch sử cho những năm tháng thiền định, hoằng pháp và giúp đời của một bậc chân tu.
Từ xa nhìn lại, chùa Thầy hiện lên với nét cổ kính rêu phong, bao quanh là núi Thầy trầm mặc. Trước chùa là hồ Long Trì xanh biếc, tĩnh lặng, phản chiếu mái chùa như một bức tranh thủy mặc. Bước qua cầu Nhật Tiên và cầu Nguyệt Tiên - hai cây cầu đá có kiến trúc tinh xảo bắc qua hồ, du khách như bước vào một thế giới khác, nơi thiền và đời hòa quyện. Bên trong chùa, điện Tam Bảo vẫn lưu giữ những pho tượng Phật từ hàng trăm năm trước. Sau chùa là lầu chuông đồng, lầu trống, được xây dựng dưới thời chúa Trịnh Sâm, theo nguyện vọng của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người được mệnh danh là Bà Chúa Chè.
Từ chùa Thầy, theo bậc đá men theo sườn núi, ta sẽ lên đến hang Cắc Cớ, một địa danh đầy bí ẩn. Tên gọi “Cắc Cớ” gợi nên sự tò mò, bởi theo dân gian, đây là nơi gắn liền với nhiều truyền thuyết và những câu chuyện huyền bí. Tương truyền, hang có tới 9 tầng, tượng trưng cho chín tầng địa ngục. Tuy nhiên, đến nay rất ít ai có thể đi xuống tầng thứ 2 hoặc thứ 3, bởi địa hình hiểm trở và vô cùng nguy hiểm. Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau rằng, nếu ai dám đặt chân vào những tầng sâu hơn của hang Cắc Cớ, sẽ phải đối mặt với những điều kì bí, khó lí giải.
![]() |
Lễ hội chùa Thầy |
Trên đường lên núi, còn có thể ghé thăm chùa Một Mái (hay còn gọi là chùa Bối Am). Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, nằm cheo leo trên vách đá, chỉ có một mái duy nhất. Ngôi chùa này tuy nhỏ bé, nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp lạ và linh thiêng. Tiếp tục đi sâu vào, sẽ tìm thấy hang Bụt Mọc, hang Bò, hang Gió, đều là những địa điểm gắn với các giai thoại dân gian và những truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đặc biệt, ở nơi cao nhất của ngọn núi này, còn có chùa Cao (Hiển Thụy Am), nơi tu hành đầu tiên của thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Mỗi năm, từ mùng 3 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch, chùa Thầy lại tưng bừng mở hội. Đây không chỉ là dịp để Nhân dân bày tỏ lòng thành kính với thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn là một sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc xứ Đoài. Nhắc đến lễ hội chùa Thầy, không thể không kể đến múa rối nước, một loại hình nghệ thuật dân gian có từ thời Lý. Thủy đình giữa hồ Long Trì chính là nơi diễn ra các vở rối nước đặc sắc, tái hiện những câu chuyện dân gian về lịch sử, về cuộc sống đời thường của người dân xưa.
![]() |
Đoàn nhà văn Chi hội Hà Đông - Sơn Tây chụp ảnh kỉ niệm. |
Cảm xúc dào dạt, nhà thơ Đàm Huân gửi gắm tâm tư của mình vào những vần thơ: Chùa Thầy mây khói bay/ Núi Sài lặng bóng ngày/ Dưới chân hồ nước biếc/ Thuyền ai khẽ lướt lay/ Đây am xưa Từ Thánh/ Nơi ngài hóa độ sinh/ Chuông chùa ngân vang mãi/ Nhắc người chuyện ẩn linh/ Dơi mặt ngựa quý hiếm/ Hương quả thấm ngọt mềm/ Truyền xưa còn vọng lại/ Lòng người nhớ không quên/ Rối nước bừng sắc thắm/ Tay ngài dạy dân quê/ Chùa thiêng còn in bóng/ Thầy vẫn mãi cận kề (Sài Sơn lịch sử).
Chuyến đi để lại trong lòng các thành viên cảm xúc khó quên. Xin chúc mừng Chi hội Hà Đông - Sơn Tây, Hội Nhà văn TP Hà Nội đã có hoạt động thật ý nghĩa.