Khỏe để nêu gương sáng, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương

Nhịp sống văn hóa 01/04/2025 15:19
Tham dự có các ông bà, Phạm Ba Vĩnh Uỷ viên ban thường vụ Hội NCT TP Hà Nội, Chủ tịch Hội NCT quận Cầu Giấy, Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội NCT quận; Vũ Thị Thủy, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường; Lâm Văn Thảo, Đảng ủy viên Phó Chủ tịch UBND phường; đại diện lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam, các nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo hội viên NCT, đoàn viên thanh niên đến chung vui, cổ vũ.
![]() |
Trích đoạn vở Tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội” |
Tuy mới 18 giờ nhưng các nghệ sĩ, diễn viên và khán giả đã đến chật kín Hội trường Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân để thưởng thức Chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống do Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn. Mở đầu Chương trình khán giả được thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm trong tiết mục nghệ thuật “Mời nước, mời trầu” (Dân ca Quan họ Bắc Ninh)… Đặc biệt, trích đoạn vở tuồng kinh điển “Nghêu, sò, ốc, hến” do các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” không có nhân vật chính diện; các nhân vật đều mang tên những loài động vật. Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân cách hóa tài tình và sáng tạo qua những lời văn có tính chất châm biếm, chế giễu và hài hước để phản ánh phần nào hiện thực cuộc sống. Trong bối cảnh pháp quyền, tôn giáo và đạo đức đều xoay quanh đồng tiền, vì đồng tiền mà xâu xé lẫn nhau. Ốc vì tiền mà đi ăn trộm, Hến vì tiền mà trữ đồ gian, Nghêu vì tiền mà bị một trận đòn chí tử. Lý Trưởng, Trùm Sò vì tiền vào cúi ra luồn. Lão Tri huyện, tên Thầy đề, tên lính lệ đều là những bộ mặt điển hình của sự bóc lột tồi tệ nhất. Ngoài chuỗi tiền còn có sợi dây tình, hai dây này quyện chặt vào nhau. Xâu đầu cái thành trì lễ giáo phong kiến thối nát vào xó nhà mụ Hến.
Cũng tại chương trình giao lưu, khán giả đi từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác như vở tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Ngũ biến”… Nói về ý nghĩa của vở tuồng “Ngũ biến”, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Đây là vở tuồng được xem là đầy thách thức với nghệ sĩ. Bởi lẽ, trong mấy mươi phút ngắn ngủi, người nghệ sĩ phải biến hóa không ngừng với 5 nhân vật khác nhau. Khán giả được chứng kiến một cuộc trình diễn kĩ năng hóa thân đầy ấn tượng của NS Thùy Dung trong vai Xuân Trầm”.
Xuân Trầm là nữ nghĩa quân của Lê Lợi, gia đình của nàng bị giặc Minh sát hại. Căm hận giặc Minh, nàng đã một mình lọt vào thành Đông, đốt cháy kho lưu huỳnh, giết chết tên tổng quản, bị quân giặc truy đuổi... Đặt trong tình thế đó, Xuân Trầm đã nhanh trí, khôn khéo cải dạng 5 lần để vượt qua cửa ải của quân giặc, trở về với nghĩa quân, tiếp tục chiến đấu và thực hiện nguyện ước “Trả thù nhà, đền nợ nước”.
Hành trình xâm nhập vào hang ổ quân địch, làm chúng “xoay như chong chóng” của nữ nghĩa sĩ đã đem lại nhiều bất ngờ cho khán giả thưởng thức. Bằng tài năng của người nghệ sĩ, ta không chỉ thấy sự biến hóa khôn lường của nhân vật mà còn hiểu được tính ước lệ trong xử lí không gian, thời gian của nghệ thuật sân khấu tuồng.
Chương trình được chuẩn bị công phu, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, mang đến khán giả chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống chất lượng, đầy màu sắc. Nội dung chương trình với những trích đoạn tuồng ấn tượng, tái hiện đầy đủ chiều sâu và sự biến tấu tinh tế của nghệ thuật tuồng, đem tới cho khán giả những phút giây trải nghiệm, tương tác nghệ thuật độc đáo…
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, hội viên NCT phường Nghĩa Tân phấn khởi chia sẻ: “Diễn tuồng như thế là hay, hấp dẫn lắm. Xưa tôi mê tuồng, giờ còn thuộc khá nhiều trích đoạn. Được xem lại, nghe lại thế này, thấy rất vui!”.
Chương trình còn cho khán giả đắm mình vào những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy hào hùng của dân tộc, từ hào hùng đến bi tráng, từ phấn khích đến sâu lắng, từ đó, nghệ thuật tuồng tiếp cận đến gần hơn tới công chúng, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ. Qua quan sát của phóng viên, ngoài khán giả là lớp người “cây cao bóng cả” ra thì còn có sự góp mặt của đông đảo các đoàn viên, thanh niên các trường đại học đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Tân. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thế hệ trẻ đang dần quan tâm hơn tới nghệ thuật tuồng truyền thống.
![]() |
Dân ca Quan họ Bắc Ninh |
Sinh viên Nguyễn Đào Trang, Trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Xem diễn tuồng cho tôi những cảm nhận sâu sắc về thế giới nội tâm nhân vật và điều mình đặc biệt yêu thích ở tuồng đó là sự tinh tế, chỉn chu trong từng chi tiết. Từng bước chân, từng động tác tay hay đơn giản là đảo mắt được các nghệ sĩ thể hiện sinh động, rõ ràng; sự tỉ mỉ ấy đã giữ chân chúng tôi lại và xem hết từ vở này qua vở khác”.
Nghệ sĩ ưu tú Chu Quang Cường, Trưởng đoàn Nghệ thuật Truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuồng khó học và biểu diễn hơn các loại hình khác vì đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa thể hiện vũ đạo, hát và diễn xuất”.
Chương trình giới thiệu và thưởng thức giao lưu nghệ thuật truyền do Hội NCT phường cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khép lại, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền và lớp người “cây cao bóng cả” phường Nghĩa Tân tromg bảo tồn di sản văn hóa truyền thống dân tộc.
Một số hình ảnh trích đoạn Tuồng chương trình giao lưu:
![]() |
Các đại biểu tham dự chương trình |
![]() |
Lãnh đạo Hội NCT quận Cầu Giấy, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền phường Nghĩa Tân chụp ảnh lưu niệm với Nhà hát Tuồng Việt Nam |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh |