Hội thảo Du lịch Quảng Bình: Thích ứng mới – Vận hội mới"
Du lịch 13/04/2022 09:17
Toàn cảnh hội thảo "Du lịch Quảng Bình: Thích ứng mới – Vận hội mới" |
Hội thảo nhằm nhận diện những khó khăn, thách thức và cơ hội của du lịch Quảng Bình trong thời gian tới. Từ đó, gợi mở thêm các giải pháp, kiến nghị để du lịch Quảng Bình thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong tình hình mới, tận dụng được các cơ hội hậu dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu ngành du lịch đã đặt ra cho năm 2022 và hướng tới phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới. Đây cũng là sự kiện góp phần xúc tiến, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch đến với “Quảng Bình – Điểm đến an toàn, hấp dẫn, khác biệt”.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, quý I/2022, Quảng Bình đã đã đón khoảng 145.916 lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 812 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 1 và tháng 2/2022, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình có chiều hướng tăng so với năm 2021, tuy nhiên, do sự tăng nhanh của số ca mắc Covid – 19 từ cuối tháng 2/2022 nên lượng khách tháng 3/2022 giảm mạnh. Dù vậy, với việc Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất thế giới, và Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch, thì đây là thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Bình “thức giấc” và phục hồi.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2022. Trong đó, khách nội địa chiếm 1,99 triệu lượt, khách quốc tế 10.000 lượt. Đồng thời, tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch Quảng Bình là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google (Google search, Youtube), các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor), tạp chí du lịch; du lịch Quảng Bình được các tạp chí uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục là một trong 10 vườn quốc gia được yêu thích nhất Châu Á và thế giới.
Cùng ngành du lịch Quảng Bình hiện thực hóa các mục tiêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều gợi mở, góp ý cho du lịch Quảng Bình phục hồi và phát triển bền vững.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, trước bối cảnh mới, tỉnh Quảng Bình cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động du lịch. Thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Trung ương chia sẻ, ít địa phương như Quảng Bình, chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực đã khẳng định được mình là một địa chỉ du lịch quốc tế đặc sắc và đẳng cấp. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình dựa trên nền tảng lợi thế to lớn về tài nguyên du lịch và việc thay đổi mang tính đột phá trong tư duy và cách tiếp cận phát triển, biến bất lợi thế truyền thống thành lợi thế phát triển hiện đại. Tiềm năng, lợi thế du lịch của Quảng Bình vẫn còn rất lớn, cần thêm những năng lực, điều kiện để phát huy. Việc kết nối du lịch Quảng Bình với du lịch vùng và cả nước sẽ cộng hưởng sức mạnh, giúp du lịch Quảng Bình thăng hoa mạnh mẽ. Đó là điều Quảng Bình cần làm, đang làm và sẽ làm thành công tạo đà phục hồi và phát triển chung của cả đất nước trong giai đoạn tới.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhận định, Quảng Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch với những “đặc sản” của miền Trung là “nắng, gió, song, biển, biển, rừng” và các di tích lịch sử. Quảng Bình lại có những thương hiệu “độc nhất vô nhị” đó là hệ thống hang động vô cùng đặc sắc, quê hương của đại tưởng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại cùng lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Để tạo dừng những giá trị du lịch mới, Quảng Bình cần đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe nghỉ dưỡng, MICE, du lịch văn hóa/tâm linh; cùng với đó là bổ sung các sản phẩm cùng các dịch vụ mới về thể thao, giải trí mua sắm, du lịch sự kiện.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam kiến nghị, tỉnh Quảng Bình cần xây dựng kế hoạch hành động của ngành Du lịch thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 trên cơ sở đánh giá đầy đủ tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh, đề xuất định hướng phát triển phù hợp. Cần lựa chọn mô hình phát triển, lựa chọn và thực hiện các giải pháp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh phù hợp với thực tiễn tại Quảng Bình, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh, trước hết là nâng cao nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ đó có hành động đúng, phù hợp và hiệu quả.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam chia sẻ, việc tổ chức Hội thảo này thể hiện sự nhạy bén, quyết tâm của một trong những Trung tâm du lịch lớn của cả nước. Cùng với hàng loạt sự kiện khác như một tính hiệu Quảng Bình đã sẵn sàng cho việc thu hút khách du lịch quay trở lại.
Để du lịch phục hồi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng thế mạnh riêng của Quảng Bình đặt trong sự liên kết du lịch với các địa phương khác, đặc biệt là du lịch của 5 địa phương : Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Bình như là một tâm điểm của miền Trung. HHDL Quảng Bình cần chủ động phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đề xuất các giải pháp để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. HHDL Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng ngành du lịch Quảng Bình tăng cường quan tâm chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, hợp tác liên kết về du lịch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, trên cơ sở phát triển du lịch bền vững.