Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Nghiên cứu - Trao đổi 24/05/2023 11:09
I. Kinh tế thị trường là gì?
Kinh tế thị trường là thành tựu vĩ đại của nhân loại, chứ không riêng gì của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Loài người đã lựa chọn cách đi ấy là đúng, ai cũng phải theo. Dĩ nhiên, CNTB phát triển sớm hơn, nên đến với kinh tế thị trường trước. Thể chế này có mấy quy luật:
1. Quy luật cung - cầu
Đã có cầu, ắt phải có cung, hết cầu thì cung phải dừng. Vì không nắm chắc quy luật này, lại không có ai điều hành, kinh tế thế giới nhiều phen lao đao. Chiến tranh Thế giới thứ II có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khủng hoảng thừa kinh tế (1929-1933), khiến các nước lớn phải phát động chiến tranh, nhằm phân chia lại thị trường.
2. Quy luật cạnh tranh
Cạnh tranh có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển và chỉ có cạnh tranh mới có tác dụng kìm giả, nhưng mặt trái của nó là triệt tiêu lẫn nhau. Chẳng hạn, một thành phố có 10 nhà kinh doanh, sau bao năm thì một số teo dần do thua kém về vốn liếng, trình độ quản lí, hoặc do may - rủi, thời cơ... khác nhau. Vì vậy, một số doanh nghiệp bị phá sản, phải sáp nhập vào nơi mạnh hơn, cuối cùng chỉ còn một vài cơ sở kinh doanh. Trên phạm vi cả nước cũng thế, qua đấu tranh sinh tồn tự nhiên (cạnh tranh), doanh nghiệp mạnh nhất trở thành Công ty xuyên quốc gia.
Cạnh tranh thời hiện đại là đi tìm "sự khác biệt". Đây là khái niệm do Michael Porter, nhà bác học kinh tế người Mỹ, Giáo sư Đại học Harvard, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh toàn cầu nêu ra. Theo đó, đi tìm "sự khác biệt" nhằm hạn chế sự triệt tiêu lẫn nhau, để "tất cả cùng thắng".
3. Quy luật gia tăng kinh tế trong kinh doanh
Các Mác gọi là "Giá trị thặng dư" - một phát hiện vĩ đại của nhà cộng sản kiệt xuất. Mác đặt vấn đề: Các nhà tư bản mua vào, bán ra, giá ngang nhau nhưng vì sao vẫn có lãi? Mác giải thích, lãi ấy được gia tăng thông qua sức lao động của công nhân, mà các nhà tư bản chiếm dụng.
Thực ra, chế độ nào cũng vậy, thời đại nào và nơi nào cũng thế, kinh doanh mà không có lãi, đồng nghĩa với phá sản. Kinh tế là phải “kê lên để tính”. Các nhà tư bản đem (T) đồng, đi sản xuất và kinh doanh hàng hóa (H), thu về T’ đồng. T’ này nhất thiết phải lớn T ban đầu, nếu không thì phá sản. Mác nói, các đảng viên cộng sản phải đóng sách mà học cách quản lí kinh tế của các nhà tư bản là thế.
4. Quy luật nới rộng giàu - nghèo
Do quy luật phát triển không đều, kinh tế thị trường tạo khoảng cách ngày càng xa giữa giàu và nghèo. Giàu càng giàu thêm, còn nghèo thì càng kiết, thậm chí phải sống bằng đồng lương thất nghiệp.
II. Định hướng XHCN
1. Đảng ta xác định rõ mặt trái của cơ chế thị trường, nên đã bổ sung vào "thể chế" này, khái niệm "Định hướng XHCN" nhằm hoàn thiện cơ chế điều hành đất nước.
2. XHCN ở Việt Nam như Đảng ta xác định là có mục tiêu: “Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.
3. Chế độ XHCN không có mô hình chung cho mọi quốc gia. Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên cùng là XHCN, nhưng cách đi khác nhau tùy điều kiện lịch sử mỗi nước. XHCN ở Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết "Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam": "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó, sự phát triển là thực sự và con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về Nhân dân, do Nhân dân, và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó, chính là giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi".
4. XHCN Việt Nam là không làm kinh tế bằng mọi giá. Phát triển kinh tế đi đối với phát triển văn hóa, coi con người là trung tâm. Đảng, Nhà nuớc, Quốc hội đã ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị... để phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, để "không ai bị bỏ lại phía sau”, không số phận nào bị quên lãng. Kêu gọi nhà giàu, các doanh nghiệp tích cực làm từ thiện, giúp người khó. Công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới được toàn dân náo nức, chờ đón, ủng hộ, được thế giới công nhận là mô hình đảng học tập.
Những năm vừa qua, bão lụt ở miền Trung rồi đại địch Covid-19 bùng phát... nhưng đất nước vẫn đứng vững và sớm phục hồi. Điều đó đã minh chứng tính ưu việt của chế độ XHCN ta đang xây dựng, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là sự cắt nghĩa hùng hồn, đúng đắn về đường lối xây dựng đất nước do Đảng ta lãnh đạo.