Hoa hồng và lao lí
Nghiên cứu - Trao đổi 24/05/2022 10:37
Có ý kiến giải thích về xuất xứ của loại “hoa hồng” này. Vào năm 1840, Bưu điện Vương quốc Anh bắt đầu phát minh và đem ra sử dụng tem bưu chính trong giao dịch thư tín. Mẫu tem đầu tiên in hình Nữ hoàng Anh Victoria trẻ trung, xinh đẹp trên nền hoa văn cũng rất ấn tượng. Hồi đó, có một Công tước ở đảo Corse (Pháp) giàu có, hào hoa, yêu mê say Nữ hoàng xứ sương mù đã đưa ra một quyết định: Cứ mỗi khi bưu tá đưa thư cho ông của bất kì ai gửi từ nước Anh sang mà con tem có in hình Nữ hoàng Victoria, ông lập tức thưởng ngay một bó hoa hồng rất đẹp. So với con tem (giá chỉ 1 penny lúc bấy giờ) thì bó hoa kia có giá trị lớn hơn. Đó là một cử chỉ hết sức “ga lăng”, nhưng xúc động hơn là sự trân trọng của người tặng. Dần dần, người ta hình thành thói quen tặng hoa cho ai giúp mình một việc gì đấy. Thế rồi, lâu dần người ta đã thay những bó hồng thắm tươi bằng những gói quà và đặc biệt là bằng những đồng tiền đủ loại, nhỏ thôi nhưng rất có giá. Người Pháp gọi là pourboire (phiên âm tiếng Việt là tiền puốc-boa hay boa, bo) tức là tiền thưởng thêm cho ai đó ngoài tiền bắt buộc phải thanh toán. Vậy là “hoa hồng” đã được chuyển đổi thành “bánh mì” và cứ thế hành trình của hoa hồng đã đi vào cuộc sống với nhiều “sắc thái” vô cùng đa dạng và “tinh tế”, có khi tiền “hoa hồng” lại là một khoản thu nhập không nhỏ.
Nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh thành vào lao lí vì Công ty Việt Á |
Thực tế trong cuộc sống, tiền “hoa hồng” không nhiều và thậm chí còn là một nét đẹp văn hóa, nhưng vì lòng tham nên không ít người bất chấp tất cả, “đi đêm”, thỏa thuận ngầm,... để thu được những đồng tiền bất chính cho “nhóm lợi ích” hoặc cá nhân. Vì “hoa hồng” mà những kẻ vô lương tâm đã bất chấp tính mạng con người: Bớt nguyên liệu trong xây dựng nhà ở, cầu đường, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh…
Những năm trước đây, dư luận cả nước đã xôn xao về vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Lãnh đạo Công ty này đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ kĩ thuật về thuốc nộp cho Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc giả dùng điều trị bệnh ung thư không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện sử dụng cho người bệnh. Ngoài ra, chúng còn sử dụng con dấu, chữ kí của 2 công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán nhập khẩu nhiều loại thuốc khác, sau đó nâng khống giá so với thực tế. Số tiền chênh lệch được chi “hoa hồng” cho các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của Công ty.
Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm đến vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và Bộ Công an (Cơ quan Cảnh sát điều tra) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố hàng chục người liên quan, trong đó có một số cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và nhiều giám đốc CDC các tỉnh, thành phố về tội nhận hối lộ từ số tiền “hoa hồng” gần 800 tỉ đồng Công ty Việt Á chi cho các đối tác.
Dư luận tỏ ra bức xúc về “y đức” khi có những kẻ đưa thuốc giả vào bệnh viện để bòn rút tiền của những người bệnh, của những gia đình bán cả nhà cửa, ruộng vườn? Những người được coi là “Lương y như từ mẫu” trị bệnh cứu người lại tiếp tay làm những việc phi đạo đức để trục lợi, nhận “hoa hồng”. Là bác sĩ phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu, nhưng tiếc thay không ít người mặc áo choàng trắng lại quá yêu “hoa hồng”, phóng tay kê đơn thuốc đắt tiền nhưng chất lượng thấp, thuốc không cần thiết... Những thầy thuốc như vậy là cái gai của “hoa hồng” đâm vào nỗi đau của bệnh nhân, làm mất thanh danh của những bác sĩ chân chính, mất uy tín của ngành y... và tất nhiên phải chịu sự trừng trị của luật pháp. Đó là cái giá phải trả vì nhận “hoa hồng”.