“Hộ chiếu vaccine” liệu có an toàn?
Nghiên cứu - Trao đổi 12/03/2021 14:12
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, đang nghiên cứu việc mở cửa lại cho du khách du lịch quốc tế giữa bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực xem xét việc tiếp nhận khách thông qua “hộ chiếu vaccine”. Dự báo Việt Nam có thể mở cửa cho du khách quốc tế từ quý IV.
Cái khó hiện nay là ở chỗ ai? Địa phương nào sẽ dũng cảm tiên phong đi đầu? trong khi chính phủ đề cao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nhiều địa phương rất muốn phát triển du lịch, đón khách quốc tế và nội địa, nhưng vẫn rất e dè với dịch bệnh.
Mới đây các đồng nghiệp của chúng tôi ở zing.vn đã trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh, nơi từng đón nhiều khách quốc tế trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Hộ chiếu Vaccxin liệu có an toàn |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết quan điểm của tỉnh là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý cho một số địa phương đón khách quốc tế, đồng thời Bộ Y tế cũng xây dựng được một bộ tiêu chí, quy trình đảm bảo an toàn, khi đó Kiên Giang mới có thể thực hiện. Ông Thành cho rằng, hiện vẫn chưa thể đánh giá việc người đã tiêm phòng vaccine Covid-19 có thực sự đảm bảo an toàn hay không. Do đó, rất cần Bộ Y tế có những đánh giá cụ thể về “hộ chiếu vaccine”, sau đó hướng dẫn cho các địa phương quy trình đảm bảo an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang còn chia sẻ thêm: để đón được khách quốc tế, cần có sự đồng thuận của chính người dân địa phương. Nếu không có sự đồng thuận này thì kế hoạch không thể thành công. Do đó, nếu triển khai thí điểm mở cửa cho khách quốc tế, cần có sự tuyên truyền, tạo sự đồng thuận.
Ông Thành cũng nhắc đến việc nếu đón khách quốc tế chưa thực sự đảm bảo an toàn, có thể gây ảnh hưởng đến chính nguồn khách nội địa, tạo tâm lý e dè khi đi du lịch. Cuối cùng ông Thành nhấn mạnh tỉnh Kiên Giang luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Nếu Chính phủ có chủ trương đón khách quốc tế, tỉnh cũng sẽ sẵn sàng các phương án.
Người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đánh giá đây là vấn đề quốc gia, không phải là vấn đề của riêng địa phương nào muốn là có thể làm được. Trước hết, nếu Chính phủ đồng ý mở chuyến bay thương mại quốc tế, thì mới có khách quốc tế.
Ông Thọ cũng đồng tình việc Chính phủ cần đưa ra giải pháp, tiêu chí đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc mở cửa và nghiên cứu về “hộ chiếu vaccine” cần phải tiến hành sớm, nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã khởi động nghiên cứu về vấn đề này. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để sớm mở cửa lại ngành du lịch. Ông cũng cho rằng phải nghiên cứu rất kỹ thông lệ quốc tế về vấn đề an toàn, quy trình, thủ tục, vấn đề xét nghiệm…
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Năm 2020, tỉnh này chỉ đón khoảng 1,8 triệu lượt khách, giảm mạnh từ con số 4,8 triệu lượt năm trước đó. Khách quốc tế giảm 75%, chỉ còn khoảng 556.000 lượt. Doanh thu du lịch giảm 66%, đạt khoảng trên 3.800 tỷ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết quan điểm của Đà Nẵng là ủng hộ việc mở cửa lại cho khách quốc tế, nhưng phải cẩn trọng và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việc đón khách quốc tế trong bối cảnh hiện tại sẽ là “bài toán không đơn giản”. Ông đồng tình với việc nếu đón khách quốc tế, chỉ đón biệt lập ở một số khu nghỉ dưỡng nhất định, có ranh giới rõ ràng, không để khách tản mát đi các nơi. “Khách muốn vào Đà Nẵng, nguyên tắc đầu tiên là phải an toàn”, ông nói. Đà Nẵng cũng đã tính đến việc cho phép khách chơi golf có thể đến các khu vực biệt lập, được kiểm soát an toàn chặt chẽ. Ông Lê Trung Chinh khẳng định TP Đà Nẵng đang rất an toàn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ vẫn ưu tiên kích cầu khách du lịch nội địa. Hiện tại, Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị cho mùa du lịch hè năm nay bắt đầu từ tháng sau.
Là địa phương có kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Đà Nẵng lần đầu tiên có mức tăng trưởng GDP âm, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Năm ngoái, Đà Nẵng chỉ đón khách 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2%).
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, nước ta chưa có quy định về "hộ chiếu vaccine". Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế Công cộng Việt Nam |
Theo ông Phu, thế giới đã có thông lệ chứng nhận đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine phòng một số bệnh như tả, hạch, sốt vàng... Tuy nhiên, COVID-19 là loại bệnh mới, các vaccine cũng mới phát triển và triển khai tiêm, hiệu quả thực sự của nhiều loại vaccine còn cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá.
Theo tính toán để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60- 70% dân số trở lên. Như vậy Việt Nam cần từ 100-150 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, theo ông Phu, việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm, dữ liệu về kháng thể chống virus tồn tại trong cơ thể con người (sau tiêm) là bao lâu cũng chưa thật rõ ràng. Một số vaccine mới đánh giá được tác dụng giảm triệu chứng nặng của bệnh, giảm khả năng tử vong, nhưng chưa xác định được chính xác hiệu quả của việc giảm sự lây truyền bệnh ở mức nào hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vaccine vừa được tiêm.
Điều này có nghĩa là khi virus SARS-CoV-2 biến chủng, có thể loại vaccine COVID-19 mà người đã tiêm không còn tác dụng. Chưa kể, cần đề phòng trường hợp có "hộ chiếu vaccine" giả.
Mở cửa đón khách quốc tế nhưng phải cẩn trọng và bảo đảm an toàn |
Thực tế việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất về hiệu quả thử nghiệm lâm sàng thì vaccine của Pfizer hay Moderna có hiệu quả bảo vệ trên 90% - 95%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2, như vậy còn 5-19% người đã tiêm chưa được bảo vệ khỏi COVID-19, có thể vẫn mang mầm bệnh.
Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vaccine được 50% dân số thì Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...