Hãy yêu lấy vầng trăng…
Nhịp sống văn hóa 23/09/2024 09:51
Thời thượng
Chả còn ai yêu vầng trăng
và hương lúa ngoài đồng
Yêu bà Tiên hay đám mây
trên lầu Hoàng hạc
Giờ là thế giới của xe cúp,
tivi, phim màu ngũ sắc
Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát…
Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!
Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc
Nhớ một cô gái
chèo đò vượt lửa qua sông.
Chế Lan viên
Dường như mọi giá trị tốt đẹp trong cuộc sống thường “đứng ở đầu sóng” nên bị thách thức, xô đổ. Thời đó (1988), khi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng được vài năm, cơ chế thị trường len lỏi vào bữa cơm, giấc ngủ người dân, ghế ngồi quan chức… nhà thơ Chế Lan Viên chú ý đến những mặt trái, tiêu cực của xã hội. Ông nhận thấy khá rõ sự thay đổi về ý thức của một bộ phận khá lớn cán bộ, dân chúng. Sự thay đổi về văn hoá tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực diễn ra hằng ngày, ngay trước mắt nhà thơ: Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng. Mải quay cuồng trong cuộc bán mua, chụp giựt, tranh chấp… họ bất chấp các giá trị văn hoá, đạo đức, không mấy người còn Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng hạc…
Ảnh minh họa |
Cái gọi là thời thượng được không ít người trong xã hội thời ấy ngộ nhận là “lẽ sống” mặc nhiên len lỏi vào đời sống bất chấp phản biện của nhà văn hoá, nhà khoa học chân chính. Cái thời thượng đầy rẫy mâu thuẫn, bất trắc, như một căn bệnh lây lan nhanh đến nỗi có người phải thốt lên: Thời tôi sống biết bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời đâu có dễ dàng chi (Nguyễn Trọng Tạo). Trước hiện thực đáng lo ngại ấy, nhiều người thấy mình bị xúc phạm, đặc biệt là những người đã hi sinh một phần cơ thể trong kháng chiến. Nhìn thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc thấy xã hội quá coi trọng vật chất, chạy theo đồng tiền mà đánh mất quá ư nhiều thứ.
Người xưa nói có lí, khi cái ác vào triều thì công lí phải ra đi. Một khi xã hội quay cuồng với đồng tiền, sự giả trá, quên hết quá khứ hào hùng của dân tộc thì mặc nhiên văn hoá, đạo đức bị đẩy xuống hàng thứ yếu, “rơi tự do”: Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!
Một dân tộc từng chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, gồng mình chống chọi với thiên tai, dân tộc ấy phải biết trân trọng truyền thống hào hùng, biết ơn lớp người có công với dân, với nước. Ấy thế mà vì chạy theo cái thời thượng nhiều người không còn là chính mình, họ quên tất cả: Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc/ Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông.
Những vấn đề dân tộc, thời đại có ý nghĩa lịch sử, chính trị, được nhà thơ Chế Lan Viên nhìn nhận dưới góc độ của một nhà văn hoá. Cạnh đó, những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, tâm linh, nhân tình thế thái làm nhà thơ buồn lòng. Và cả khổ đau nữa, khi người ta sống mà không cần đến văn hoá, đạo đức; lãng quên quá khứ hào hùng và đau thương của dân tộc.
Thơ của Chế Lan Viên vốn hình tượng, luận triết, nhưng ở bài thơ này ý tứ của ông trực diện, rõ ràng. Nỗi đau của nhà thơ và nhiều người nữa khi phải đối diện với “căn bệnh” của thời hiện tại thật lớn nên người đọc cũng dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với ông.
Gấp lại “Thời thượng”, ta càng trân trọng nhà văn hoá lớn trước hiện thực cuộc sống người Việt cuối những năm 80 thế kỉ trước. Từ một xã hội vốn coi Tổ quốc trên hết, trước hết, coi đạo đức cách mạng như một nguồn lực quý, đồng thời lấy đạo đức cánh mạng làm thước đo giá trị công dân. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều thứ trở nên quá sòng phẳng, văn hoá vật chất lên ngôi, vì thế mà nhà thơ và nhiều người khác không tránh khỏi cú sốc tinh thần.
Những câu thơ, ý tứ trong “Thời thượng” là suy nghĩ, quan ngại của Chế Lan Viên về dân tộc và thời đại. Những trăn trở trong “Thời thượng” là tư tưởng, tình cảm chân thành, tiêu biểu cho tâm trạng của hàng chục triệu người cùng thời với nhà thơ.
Hình như “Thời thượng” của Chế Lan Viên ngày ấy và thời thượng mà chúng ta nhìn thấy hôm nay còn có sự liên hệ, bởi nhiều nét… giống nhau?