Vẽ chân dung nhân vật bằng những bài phỏng vấn
Nhịp sống văn hóa 15/10/2024 13:15
Người biết lo xa, chắc chắn là người điềm tĩnh, lo trước những việc chưa xảy ra, hoặc dự liệu có thể xảy ra, để từ đó có những hành xử đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp, nhân văn… Đó là nhân cách của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, mà tác giả Diệu Ân khắc họa trong cuốn sách “Người biết lo xa”, do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, vừa cho ra mắt bạn đọc trong buổi giới thiệu sách tổ chức ngày 5/10/2024 tại Hà Nội. Cuốn sách có 3 phần chính: Các bài viết dạng phỏng vấn 14 nhân vật thân cận với ông Phan Diễn trong cuộc sống và trong công tác; tập ảnh về cuộc sống đời thường của ông Phan Diễn cùng gia đình, cũng như đồng chí của ông trong suốt chặng đường công tác; các bài thơ do ông Phan Diễn sáng tác tặng con cháu, ruột thịt và bạn bè thân thiết.
Tác giả nhà báo Diệu Ân |
Trong ba phần chính của cuốn sách này, ấn tượng nhất là phần các bài phỏng vấn 14 nhân vật, đều là những người biết rõ về nhân cách, lối sống và nhiệt huyết công tác của ông Phan Diễn, ví như: Bà Vũ Diễm Hồng, phu nhân của ông Phan Diễn; ông Nguyễn Đức Tiền, lái xe riêng; ông Cao Ngọc Xuyên, thư kí riêng của ông Phan Diễn… Thực tế có nhiều phương pháp thể hiện chân dung một con người, miễn sao lột tả được tính cách, nhân cách và những thói quen của một con người. Tuy nhiên, tác giả Diệu Ân lại chọn phương thức thể hiện bằng thể loại phỏng vấn, là thể loại mang đậm chất báo chí, thông tấn. Đây có thể nói là cách làm khôn ngoan, khoa học từ đó bảo đảm được tính khách quan, chân thực.
Có thể nói, các bài phỏng vấn trong cuốn sách được thể hiện rất tỉ mỉ, cặn kẽ, không trùng lặp về nội dung, không hư cấu dù chỉ là một vài chi tiết nhỏ. Tất cả đều toát lên sự chân thực, tính khách quan qua từng câu hỏi, câu trả lời. Điều này cho thấy, tác giả mất rất nhiều thời gian, nhận được nhiều sự giúp đỡ chí tình. Thông qua cuốn sách mới thấy động lực để thể hiện chứng tỏ sự yêu quý của tác giả đối với nhân vật chính.
Một trong những chi tiết miêu tả cuộc đời của ông Phan Diễn, là cuộc tình của ông với bà Vũ Diễm Hồng. Ngay sau khi chàng trai trẻ Phan Diễn tỏ tình, thì tiểu thư Hồng đi du học ở Liên Xô (cũ), học tới 6 năm. Cách nhau mười mấy nghìn cây số, trong cái thời chưa có điện thoại thông minh, cũng như điều kiện nền tảng thông tin như ngày nay, nhưng đôi trẻ vẫn chung thủy, chờ nhau ngần ấy năm cho đến ngày gặp lại và nên vợ nên chồng, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Cuốn sách viết về chân dung ông Phan Diễn |
Ông Phan Diễn cũng là người tình cảm, chân thật với cấp dưới, qua lời kể của ông lái xe Nguyễn Đức Tiền: “Chúng em coi cụ Diễn như người cha. Cụ sống tình cảm, chân thật lắm. Mặc dù bây giờ không còn được phục vụ trực tiếp cụ, nhưng chúng em không bao giờ quên những tình cảm sâu sắc mà cụ đã quan tâm”. Phu nhân Vũ Diễm Hồng nói về gia đình của họ: “Nói chung tôi và anh Phan Diễn thống nhất cách giáo dục con cái, đó là không áp đặt. Các cháu tự nhìn gương bố mẹ mà sống. Chúng tôi không thiên vị, các con đều được quan tâm như nhau. Khi gia đình có công việc gì đều được bàn bạc, tìm hướng giải quyết. Đối với các gia đình thông gia, chúng tôi ứng xử thân tình như người trong một nhà. Đặc biệt các con của chúng tôi đều rất ham học, có đức tính khiêm tốn, giản dị, kính trọng cha mẹ, họ hàng…”. Ông Cao Ngọc Xuyên nhận xét về vị thủ trưởng của mình: “Anh Phan Diễn là một người có tư duy kinh tế rất sâu sắc, có bài bản”.
Cuốn sách “Người biết lo xa” của tác giả Diệu Ân được ông Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư viết lời giới thiệu, trong đó có đoạn: “Anh Phan Diễn về hưu năm 2008, nhưng anh không hề nghỉ ngơi. Mười lăm năm anh lặn lội đi lo chống lụt bão cho đồng bào miền Trung. Anh là người sáng lập và là Chủ tịch Quỹ Phòng chống thiên tai miền Trung, sau đổi tên thành “Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai” và mở rộng hoạt động ra cả nước. Anh trực tiếp đi trồng rừng ngập mặn, trực tiếp đi vận động xây dựng quỹ. Anh có uy tín rất lớn, đến nay quỹ này đã có trên 600 tỉ đồng”.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ cảm thán khi viết bài giới thiệu: “… Công trình này đã ghi nhận, cung cấp kịp thời những tư liệu quý, lời kể xác thực về lai lịch gia đình, hoàn cảnh xuất thân, tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Diễn… Hiện lên qua 260 trang sách gọn gàng là chân dung một con người cao quý, được soi chiếu từ nhiều góc độ, gây ấn tượng sâu sắc: Đó là một chiến sĩ cộng sản chân chính, thuộc hàng “con nhà nòi”, từ nhỏ đã nuôi dưỡng khát vọng học tập và rèn luyện theo gương ông bà, cha mẹ, lớn lên từng bước được các bậc tiền bối cách mạng đã quan tâm dìu dắt, đã trưởng thành, có những đóng góp thiết thực, quý báu vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, dân tộc…”.
Phải nói rằng, cuốn sách đã thành công, vẽ nên chân dung chân thực, khách quan về một con người, là một người cộng sản chân chính đáng được trân trọng. Chúc mừng nhà báo Diệu Ân, ở tuổi 80 vẫn lao động cho ra đời tác phẩm quý báu!.