Nhạc sĩ Vũ Thanh với hai bài hát hay về Hà Nội
Nhịp sống văn hóa 17/10/2024 08:56
Viết về cùng một chủ đề, một vùng đất nào đó mà có được một bài hát hay là rất khó, viết được hai bài mà được người nghe chấp nhận, yêu thích thật không dễ dàng.
Trong khi không ít nhạc sĩ sinh ra và lớn lên luôn gắn bó với Hà Nội mà chưa viết được một bài nào thực sự ấn tượng về xứ sở ngàn năm văn hiến thì Vũ Thanh đã có tới hai bài đặc sắc, mà bất cứ người yêu âm nhạc nào cũng trân trọng và ái mộ. Đó là “Bài ca Hà Nội” và “Hà Nội mùa Thu”.
Ảnh minh hoạ |
Bài thứ nhất ra đời, cả Thủ đô hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng. Giữa không khí ấy, hàng loạt bài hát đã ra đời nhưng “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh đã vượt trội để sống mãi với thời gian: Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ. Bài hát nghe cuồn cuộn trào dâng, vừa sục sôi khẩn trương lại có vẻ thanh thản đàng hoàng, quả là biểu hiện được cái thần thái của đất Thăng Long văn hiến - xứ sở hào hoa bước vào cuộc chiến bất tử. Người Hà Nội vốn luôn như vậy, có thể hiên ngang đối mặt với mọi khó khăn, vất vả gian truân, sẵn sàng quyết tử để giành chiến thắng, nhưng lại luôn nhẹ nhàng ung dung thanh thản. Đặc biệt ở đoạn 2: Ơi cô gái, súng trên vai sao vuông đầu mũ, em đi về đâu mà mắt em tươi sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang, những hôm miệt mài trên bãi tập, chiến công này hẳn có tay em... Ai từng sống những ngày tháng của năm 1966-1967 ở Hà Nội mới cảm nhận được rõ nét vẻ đẹp và giá trị của bài hát xuất sắc này.
Khi mà giai điệu của “Bài ca Hà Nội” vẫn đang còn âm vang trong lòng người nghe bởi hình ảnh của Thủ đô anh hùng vẫn chưa lùi vào dĩ vãng thì năm 1981 người yêu âm nhạc lại được nghe một bài ca đầy sức quyến rũ về chính mảnh đất ấy. Đó là bài “Hà Nội mùa Thu”. Mùa Thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa vĩnh hằng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Đó là một "Mùa thu mới" trong cảm nhận của đôi lứa (dưới hình thức một bài ca) không còn khói lửa đạn bom của ngày hôm qua mà lắng đọng suy tư, thanh bình, bâng khuâng xao xuyến: Anh nghe chăng! Trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa Thu ôi xao xuyến trong lòng ta! Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình...
Ca khúc "Hà Nội mùa Thu" đích thực là một bản tình ca trong sự chân thành sâu sắc ở không khí bài hát, giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt mê say chỉ có trong tình yêu đôi lứa. Có ai đó muốn chờ đợi cái cụ thể của tình yêu thể hiện trong bản tình ca này, thì đây: Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì. Đôi lứa trong tình khúc này đã suy nghĩ đến những điều không vụn vặt tầm thường, riêng tư mà nghĩ đến những điều lớn lao, liên quan đến nhiều người, đến cuộc đời mà từ đó mới có họ. Đó cũng chính là đặc điểm của những bản tình ca sang trọng cao đẹp chỉ có trong kho tàng âm nhạc truyền thống và ca khúc cách mạng.
Với hai bài hát đặc sắc về Hà Nội - một bài về chiến tranh, một bài về hoà bình - mang hai dáng dấp đặc biệt rõ nét nhưng lại nằm trong sự nhất quán về vẻ hào hoa văn hiến của Thủ đô, nhạc sĩ Vũ Thanh đã thực sự ghi được dấu ấn trong lòng công chúng.
Tuy nhiên, không phải đến khi có “Bài ca Hà Nội”, Vũ Thanh mới được công chúng biết tới, mà trước đó một năm (năm 1965) ông đã nổi tiếng với bài “Lời anh vọng mãi ngàn năm” ca ngợi cái chết hoá thành bất tử của người thợ điện yêu nước Nguyễn Văn Trỗi (1964). Ngoài ra, Vũ Thanh còn có nhiều bài hát hay khác được công chúng ưa thích: "Cá lội đồng xanh”, “Rừng chiều”, “Vũng Tàu biển hát”, “Đêm trăng Prông”, “Cảm xúc trên đường Phnôm Pênh”, “Đỉnh gió Na Dương”... Vũ Thanh không phải là nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng ông đã có một bài hát nổi tiếng cho lứa tuổi này, đó là “Em đi trong tươi xanh” mà các cháu thiếu nhi đều thuộc lòng: Em đi trong tươi xanh, chim hoà bình tung cánh, mênh mang một bầu trời, ánh cờ sao lấp lánh...
Ngôn ngữ âm nhạc trong những bài hát của Vũ Thanh được tìm tòi công phu, giàu màu sắc và phong phú về bút pháp. Mỗi bài một vẻ riêng biệt không lặp lại tuy nhất quán trong một phong cách: Âm nhạc sang trọng, chải chuốt, giàu hình tượng, dễ thuộc dễ hát nhưng không dễ dãi đơn giản. Khi cần dân gian thì rất dân gian như “Cá lội đồng xanh”, khi lại mang đậm phong cách nhạc thính phòng như “Lời anh vọng mãi ngàn năm”, “Bài ca Hà Nội”. Lúc cần sự trẻ trung thì sẽ pha hơi hướng nhạc nhẹ như “Vũng Tàu biển hát”, “Rừng chiều”... Những ca khúc của Vũ Thanh được xử lí rất thuận tiện cho ca sĩ khi thể hiện tác phẩm.
Vũ Thanh người nhạc sĩ tài hoa, sáng tác nhiều và hay về Hà Nội, sinh năm 1930 tại Hà Nội (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm), ông mất năm 2003. Tháng Tám, mùa Thu về, chúng ta lại bùi ngùi nhớ nhạc sĩ Vũ Thanh...