Hát xoan nơi Đất Tổ
Văn hóa - Thể thao 12/04/2019 08:40
Hát xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón năm mới, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an. Hát xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống con người. Các làn điệu hát xoan cổ đều bắt nguồn từ các làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng. Gốc của Hát xoan là ở Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua miền trung du Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu (tỉnh Phú Thọ).
Đầu năm, từ ngày mùng 2 Tết, các phường Hát xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Dân làng An Thái, xã Phượng Lâu ăn mặc đẹp, mời nhau ra đình thực hiện tín ngưỡng hát thờ vua. Trong “Truyền thuyết Vua Hùng” có kể lại sự tích ra đời của Hát xoan rất cụ thể.
Để tưởng nhớ ơn vua, người có công phát triển làn điệu Hát xoan, Nhân dân quanh vùng dựng ngôi miếu thờ, tục gọi là miếu Lãi Lèn, ở xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hằng năm, cứ đến ngày 30 tháng Chạp, dân làng làm cỗ rất to, cúng vào buổi trưa; cúng thịt bò vào buổi tối để thờ vua được Nhân dân suy tôn là Đức Thánh Cả.
Biểu diến Hát Xoan trong đình làng |
Hát xoan ca ngợi cuộc sống khó khăn vất vả, thông qua các nghề tiêu biểu, điển hình của nhà nông trong lịch sử dựng nước và giữ nước Ngư - Tiều - Canh - Mục được dân gian hóa bằng hình thức nghệ thuật truyền thống chứa đầy bản sắc văn hóa của người dân vùng trung du mà không nơi nào có được. Hát xoan Phú Thọ còn chứa đựng tình cảm và mối quan hệ gắn bó giữa người nông dân với thiên nhiên thông qua trình diễn hát Quả cách, Xuân thời cách, Hạ thời cách, Đông thời cách. Phản ánh đời sống tinh thần phong phú thông qua các lễ hội dân gian với hình thức hát đối đáp nam nữ giao duyên: Xin huê, đố chữ, hát đúm, hát bỏ bộ…
Hát xoan còn đề cập đến mối quan hệ xã hội giữa các làng, chạ thông qua tục lệ Hát nước, nghĩa là giao lưu giữa các làng có đình thờ Thành hoàng làng với nhau trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc như Hát đón Đào, Hát mời rượu, Hát nước nghĩa, Hát giã bạn.
Hát xoan Phú Thọ được Unesco chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ đã kiên trì, cố gắng không mệt mỏi gìn giữ, truyền dạy và lan tỏa di sản trong cộng đồng. Với các nghệ nhân kế cận được đào tạo, hơn 30 CLB và trên 1.000 người yêu Hát xoan, hàng trăm không gian diễn xướng được khôi phục dần. Hát xoan ở cả hai loại hình Xoan cổ và Xoan cách tân như Hát mời vua, Giáo trống - Giáo phó, Đối rẩy cách, Bò bộ, Mò cá… được dàn dựng công phu, có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của cơ quan, trường học góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để Hát xoan ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ
Lê Sỹ Tứ