Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Tư vấn pháp luật 24/07/2020 14:57
Hỏi: Con trai tôi điều khiển xe ô tô đi trên đường thì bất ngờ bị người điều khiển xe máy hướng ngược chiều lao thẳng vào, người thanh niên đó bị thương nhẹ và xe máy cũng hư hỏng nhẹ còn đầu xe ô tô của con tôi thì bị móp méo. Người đi xe máy dù có lỗi là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn nhưng vẫn một mực yêu cầu con tôi phải bồi thường dù con tôi không có lỗi. Trong trường hợp này con tôi có phải bồi thường cho người đi xe máy không và có được yêu cầu người đi xe máy bồi thường chi phí sữa chữa xe ô tô không?
Phan Đăng Hoàn,
(huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
ThS - Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ là người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 3012/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Khoản 4, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Trong vụ việc này, nếu lỗi hoàn toàn thuộc về phía người điều khiển xe máy, còn xe ô tô do con trai ông điều khiển tuân thủ đúng quy tắc tham gia giao thông đường bộ, không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người điều khiển xe máy. Ngược lại, nếu xe ô tô có thiệt hại, hư hỏng thì người có lỗi là người điều khiển xe máy có hành vi xâm phạm đến tài sản của người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức, hình thức, phương thức bồi thường nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật