Chủ tịch Hội NCT xã nên là NCT, làm chuyên trách sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Nghiên cứu - Trao đổi 20/07/2020 16:05
Bài báo đã thôi thúc tôi đọc đi đọc lại nhiều lần để thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc, trọn vẹn những giá trị cốt lõi mà Bác muốn nó được lan truyền rộng rãi, đại chúng hơn, để nhiều người có điều kiện tiếp cận, hiểu về công tác dân vận hơn. Bác đã từng nhắn nhủ chúng ta: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều vì dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Nội dung bài “Dân vận” rất sâu sắc mà lại hết sức giản dị, thể hiện rõ phong cách và quan điểm viết báo của Người: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Với quan điểm đó được Bác nêu và lí giải với 4 vấn đề cơ bản, thiết thực, trọng yếu của xã hội trong công tác dân vận. Những giá trị đó cần được Đảng, Nhà nước ta kế thừa và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
![]() |
Các nội dung chính của bài báo đó là: 1-Nước ta là nước dân chủ; 2-Dân vận là gì?; 3-Ai phụ trách dân vận?; 4-Dân vận phải thế nào?
Nước ta là nước dân chủ:
Mở đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại cho cán bộ, đảng viên về bản chất của Nhà nước ta: “Nước ta là nước dân chủ” Người nhấn mạnh, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ và dân làm chủ nghĩa là mọi quyền lực, quyền hành đều ở nơi dân, mọi lợi ích đều vì dân, mọi công việc đều do dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức, nên mọi việc làm mang đến lợi ích đều vì dân. Nước phải lấy dân làm gốc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Như vậy, “Nước ta là nước dân chủ” chính là cơ sở, tiền đề có tính chất quyết định trong công tác dân vận. Đó cũng là lí do phải làm công tác dân vận.
Dân vận là gì?
Dân vận ở đây không phải là công tác vận động quần chúng mà là: “Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Dân vận không thể chỉ là khẩu hiệu, trước hết là phải giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho dân và nhiệm vụ của dân. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân lập kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân trong quá trình thực hiện; cùng với dân kiểm tra lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Ai phụ trách dân vận?
Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân phải cùng nhau bàn tính kĩ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn... Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, làm cỏ… Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm. Theo Bác: “Những người phụ trách dân vận cần phải vắt óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đó là những người luôn “tự mình phải làm gương mẫu, cần, kiệm, liêm chính, để Nhân dân noi theo” vì Nhân dân sẽ yêu quý, trân trọng và lắng nghe những người tuyệt đối trung thành với Đảng, có năng lực lãnh đạo, có tư cách, đạo đức, liên hệ mật thiết với dân, luôn gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân…
Dân vận phải thế nào?
Bác nêu cao tinh thần dân vận và khẳng định rằng: “Dân vận không phải là việc riêng của một người, một hai ban, ngành, đó phải là công việc của cả hệ thống chính trị”. Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng.
Cuối cùng, Bác kết thúc bài báo với một câu hết sức chân lí, cụ thể “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bác nhắc nhở, căn dặn bởi dân vận là mục tiêu, phương pháp vận động cách mạng, là mối quan hệ máu thịt của Đảng với Nhân dân. Bài báo chỉ có hơn 600 chữ nhưng hết sức súc tích, có giá trị to lớn về lí luận và thực tiễn, đề cập đầy đủ những vấn đề cấp thiết của xã hội trong công tác vận động quần chúng. Có thể nói “Dân vận khéo” là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng giai cấp… trong xã hội. Bài báo trở thành cẩm nang của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận cho đến nay và mai sau. Có thể nói, đây là cương lĩnh hoàn chỉnh của Đảng về công tác dân vận.
Thấu hiểu tâm tư của Bác, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã thông qua cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết luôn xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để xây dựng khối đại đoàn kết và sức mạnh dân tộc. Có thể thấy, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ngày nay được phát huy ví như đầu năm 2020 Việt Nam ta nói riêng và thế giới nói chung đang gồng mình chống dịch bệnh COVID -19. Đảng và Nhà nước ta tăng cường công tác dân vận, kịp thời triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19. Với các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể khẩn trương thực hiện, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần kỉ luật trong công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác thông tin tuyên truyền… đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống dịch COVID -19 và chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh đến thời điểm hiện nay. Toàn dân đã phát huy được tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thử thách này.