Gặp người tham gia giải phóng Sài Gòn ở quê hương mới

Nghiên cứu - Trao đổi 10/02/2025 10:13
Tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940), đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (bị thực dân Pháp bắt rồi xử bắn váo tháng 8/1940). Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2/1943. Bản Đề cương văn hoá Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Bản Đề cương văn hoá Việt Nam đã góp phần tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc cũng đã ra đời và tham gia vào Mặt trận Việt Minh do Đảng thành lập để góp sức vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu |
Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta.
Một trong những đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh đó là thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bản chỉ thị đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện.
Trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từ ngày 11 đến 19/2/1951, tại Tuyên Quang đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày vào chiều ngày 11/2/1951 khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh của Đảng là đúng đắn và cuộc kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 7/1960 đến tháng 7/1981, đồng chí Trường Chinh được cử làm Chủ tịch Quốc hội. Đây là giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và sau đó là giai đoạn cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nói về cống hiến của đồng chí Trường Chinh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng” và “đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Từ năm 1983 - 1986, đồng chí Trường Chinh trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã tổ chức và trực tiếp tham gia nhiều chương trình khảo sát thực tế tới gần 20 tỉnh, thành trên khắp đất nước. Tháng 12/1982, đồng chí Trường Chinh cũng thành lập nhóm nghiên cứu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và nội dung cơ bản Chính sách kinh tế mới của Lênin để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ngày 14/7/1986, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt và đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986 tại Hà Nội), đồng chí Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI. Báo cáo chính trị khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lí kinh tế, về phân phối, lưu thông... Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra... Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lí luận đã đạt được, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy”.
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh tiếp tục cống hiến cho Đảng trong vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh đặc biệt chú ý tới việc tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết đổi mới của Đại hội lần thứ VI.
Đánh giá về vai trò của đồng chí Trường Chinh trong sự nghiệp Đổi mới, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: “Trong khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội đồng chí Trường Chinh với trách nhiệm Tổng Bí thư đã cùng Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị Đại hội lần thứ VI của Đảng - Đại hội “đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Đảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức và có ý nghĩa to lớn, tăng cường hơn nữa khối đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân” như văn kiện của Đảng đã xác định. Báo cáo chính trị tại Đại hội VI do đồng chí trình bày đã khẳng định “đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”; những khẩu hiệu và phương hướng nêu lên trong Báo cáo trình Đại hội như “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”... để lại những dấu ấn cực kì sâu sắc, là những khẩu hiệu có tính chỉ đạo hành động trong suốt quá trình đổi mới đất nước”.
Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kì mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Thắng lợi của công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra mà đồng chí Trường Chinh chính là “Tổng Bí thư của đổi mới”.