Đành lòng vậy!
Trong mắt người già 13/06/2023 09:46
Tuy nhiên cao tốc Việt Nam hơi “khác người”. Với các nước, cao tốc tối thiểu phải có 4 làn xe, thậm chí lên tới 12 làn xe và tốc độ từ 130 km/h trở lên. Còn ta, hiện có 5 tuyến 2 làn xe, số tuyến 4 làn xe còn ít và ô tô cũng chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ.
Mong ước có nhiều đường cao tốc từ 4 làn xe trở lên nhưng lại bị “trói” bởi nguồn lực tài chính. Trong khi nguồn vốn dành cho giao thông còn hạn hẹp, vì thế Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương phân kì đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc Bắc Nam với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Vẫn biết phương án làm đường quy mô nhỏ, ít làn sẽ sớm lạc hậu, sau muốn mở rộng rất khó vì chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn nhưng do “lực bất tòng tâm” nên phải đành lòng vậy.
Hơn 10 năm trước, tuyến đường TP Hồ Chí Minh -Trung Lương được coi là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, tuyến chính với 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Thế nhưng, do không lường hết “chữ cầu”, chỉ sau mấy năm, lưu lượng xe trên tuyến đã tăng trên 35%, khiến tuyến đường phải giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ chỉ còn 60 km/giờ.
Gần đây, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (HLD) là điển hình cho tình trạng cao tốc nhanh chóng thành… thấp tốc vì chỉ có 4 làn xe. Trong khi, HLD là trục giao thông chính kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù xây dựng theo quy hoạch là 8 làn xe cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc HLD lên 10 - 12 làn xe, tức gấp 3 lần hiện tại.
Không chỉ tuyến cao tốc HLD dự báo lưu lượng xe rất lớn mà nhiều tuyến đường bộ trọng yếu ở nước ta đã là 25.000 - 35.000 xe/ngày đêm. Đến một ngày nào đó, cái chặc lưỡi “đành lòng vậy” sẽ làm khó người Việt bởi làm đường cao tốc kiểu chắp vá hiện nay.
Mục tiêu phát triển đường cao tốc nhằm mở ra không gian phát triển kinh tế, rất cấp bách nhưng do nguồn vốn hạn hẹp. Rất may là tới đây, phương châm “Nhà nước và địa phương cùng làm cao tốc” sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Chính phủ sẽ giao cho các địa phương làm một số tuyến với chiều dài khoảng 1.300km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 500km giao cho các tỉnh, phành phố triển khai.