Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì ô nhiễm (Bài 1)
Phóng sự 03/08/2020 14:58
Tự hào là công trình thủy lợi lớn nhất đồng bằng sông Hồng
Những năm qua, dòng Bắc Hưng Hải thường xuyên bốc mùi nồng nặc, nước đen sánh như dầu máy thải. Thỉnh thoảng lại có đợt cá chết trắng dọc hai bờ sông.
Có những khúc sông, không một loài cá nào sống sót ngoài rô phi, cá dọn bể, bởi chúng quen lớn lên trong nước bẩn. Mùa mưa, sông chuyển sang màu vàng đục, nhưng khi trạm bơm dẫn nước vào những cánh đồng sắp cấy, nước vẫn sàu bọt cao hàng mét.
Từ một đại công trình thủy nông, giữ vai trò tưới, tiêu cho nông nghiệp khắp Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; sông Bắc Hưng Hải giờ đây trở thành nỗi kinh hoàng của bà con đang sinh sống, canh tác khắp lưu vực. Những năm 60 của thế kỷ trước, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được mệnh danh là công trình đại thủy nông.
Dù có màu xanh thế này nhưng mùi xú uế chưa khi nào hết tại khúc sông này. |
Công trình này nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, được được giới hạn bởi bốn con sông. Diện tích tự nhiên của hệ thống là 214.932 ha, bao gồm toàn bộ 10 huyện, thị xã của tỉnh Hưng Yên, bảy huyện và thành phố của tỉnh Hải Dương, ba huyện của tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Lâm và quận Long Biên của TP Hà Nội.
Nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống là bảo đảm tưới cho 110.000 héc-ta đất canh tác lúa màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, diện tích 12.000 héc-ta; cấp nước sinh hoạt cho hơn ba triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung cùng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha.
Hệ thống còn góp phần tiêu úng cho 192.045 ha diện tích phía trong đê, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Thuộc viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) tổng lượng nước thải các loại xả vào hệt thống Bắc Hưng Hải khoảng 453.195m3/ngày đêm.
Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,47%; nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh 25,72%; nước thải làng nghề 2,65%; nước thải chăn nuôi 12,02%; nước thải y tế 1,14%.
Ðiều đáng nói là hầu như tất cả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70 đến 80% nước thải công nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả thẳng vào công trình thủy lợi.
Video Đại thủy nông Bắc Hưng ô nhiễm:
Tình trạng ô nhiễm đã đến mức cấp bách, không muốn nói là bất lực của các cơ quan liên quan. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Trịnh Thế Trường đã phải thốt lên rằng: Trong những năm qua, các hành các cấp từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.
Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt.
Ô nhiễm nước nhận biết được bằng cảm quan, trực quan như nước có mầu đen, nước đen kịt như dầu luyn, bốc mùi hôi thối.
Thực tế tại nguồn kênh Kim Sơn (Hà Nội) phải tiếp nhận lượng nước thải bị ô nhiễm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm qua cống Xuân Thụy.
Tại tỉnh Hưng Yên, trên sông Ðiện Biên từ vị trí tiếp nhận nước thải TP Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng trước khi đổ ra sông Cửu An, nước chuyển mầu xanh lục, bốc mùi hôi. Cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.
Các kênh trục của hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh cũng chung số phận. Nguồn nước nơi đây chuyển mầu xanh đen, bốc mùi hôi.
Các khu đô thị, dân cư sinh sống dọc tuyến kênh chưa có hệ thống thu gom mà xả tùy tiện cũng không thể kiểm soát được. |
Ông Trường giải thích về tình trạng này chủ yếu là do các tổ chức, cá nhân, xả nước thải vào các kênh cấp II và kênh nhánh sau đó đổ ra kênh trục chính.
Việc kiểm tra, phát hiện cụ thể cá nhân, tổ chức trực tiếp xả thải vào các kênh cấp II, kênh nhánh lại thuộc quyền quản lý của công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh và được UBND tỉnh cấp phép theo phân cấp.
Mặt khác chưa có cơ chế phối hợp thông tin trao đổi giữa các công ty cho nên Công ty Bắc Hưng Hải cũng không nắm được những trường hợp xả thải. Các khu đô thị, dân cư sinh sống dọc tuyến kênh chưa có hệ thống thu gom mà xả tùy tiện cũng không thể kiểm soát được.
Đóng cửa 24/24 vì mùi xú uế
Có đến tiếp xúc với người dân sống quanh khu vực hạ lưu sông Bắc Hưng Hải mới thấy được hết sự cùng cực, khổ sở của họ.
Thôn Xuân Thụy (xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cách cống Xuân Quan – nơi tháo nước sông Hồng vào sông Bắc Hưng Hải khoảng 4km. Ông Nguyễn Tiến Oanh, tiếp chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi. Ông bảo, nhà ông có tới 2 mặt tiếp giáp sông, một giáp sông Cầu Bây, mặt kia hướng ra sông Bắc Hưng Hải. Thế nhưng, chẳng mấy khi ngôi nhà khang trang 2 tầng của ông được mở cửa.
Chỉ về phía cánh cửa được bịt bởi những tấm nhựa cáu bẩn, ông Oanh nói: “Nhà tôi có cháu nhỏ, nếu không đóng cửa 24/24 thì không thể nào chịu được. Kinh khủng đến mức phải bịt cả bạt lại mới ngăn được mùi. Bí, nhưng còn hơn là không thở nổi”.
Quả thực, có đến đây mới cảm nhận được không khí ngột ngạt, u uất do mùi của sông bốc lên. Ông Oanh chỉ về phía ngôi nhà 2 tầng khá khang trang nhưng cây leo dại đã mọc um tùm: “Nhà ông ấy có bố mẹ già. Từ ngày sông thối các cụ đau ốm liên miên, không ở nổi, cả gia đình phải bỏ nhà đi sống chỗ khác”.
Chưa dừng lại ở đây, ông Oanh đưa chúng tôi ra sân giếng, nhấc nắp bể chứa nước lên, bức xúc: “Đây, nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng như này thì sống làm sao? Nước này đã qua ba lần lọc mà bể vẫn đen. Ai bảo nước sông thối này không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm? Tôi ra đây làm nhà, sinh sống yên lành từ năm 1993. Dọc cả hai bên sông, dân thôn Báo Đáp và thôn Xuân Thụy mắc vó kéo cá rất nhiều, nước trong. Từ 2010 bắt đầu ô nhiễm. Dăm bảy năm nay thì nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc”.
Chẳng khá khẩm hơn gia đình ông Oanh, dù nhà ông Nguyễn Văn Lượng cách dòng nước bẩn cả mấy chục mét. Ông Lượng hất hàm: “Thấy không mấy cháu, nhà nào mà chẳng phải dùng tấm nhựa bịt cửa. Không bịt vào thì ngủ sao nổi, sống làm sao được. Nước lúc nào cũng đen sì, không thể ngửi được. Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi, chẳng khá khẩm hơn”.
Bên kia dòng Bắc Hưng Hải là thôn Báo Đáp (xã Kiêu Kị), cũng hứng chịu cảnh ô nhiễm tương tự. Ông Trần Đăng Xuyên, ngồi bên bờ sông, tay vẫn cầm chiếc cần câu cá, mặt buồn so nói với chúng tôi toàn chuyện “chiến tích” câu cá của những năm về trước.
Nhìn từ trên cao mới thấy các nhánh nhỏ vào khu dân cư ô nhiễm đến mức nào. |
Ông bảo, trước cứ vác cần đi câu là được cả yến cá, toàn cá ngon, cá tươi. Bây giờ đấy, ngồi cả buổi được mấy con rô phi, con to cũng chỉ được bằng 2 đầu ngón tay. “Những năm trước tháng hai, tháng ba là tôi đã đi câu được rồi, mà còn có cá trê, cá chép… Nhưng năm nay, suốt từ Tết đến giờ tôi mới đi câu lại được, đều là cá theo nước sông Hồng vào thôi. Chứ nước sông Cầu Bây mà xả ra là cá chết hết” - ông Xuyên than thở.
Xách vài con cá ra về, ông Xuyên bảo làm thức ăn cho chó thôi, chứ giờ ai dám ăn cá dưới sông này nữa. Ngang qua những luống rau mơn mởn ven bờ sông, ông phân trần: “Nước sông này tưới rau là rau chết. Mấy năm nay có ai dám tưới nữa đâu, nhà nào trồng là phải dòng ống dẫn nước máy ra mà tưới”.
Dù xóm của ông Xuyên cách dòng Bắc Hưng Hải cả trăm mét nhưng đến những ngày nước đen kịt thì tất cả đều phải “hứng” trọn mùi xú uế. Khi ấy, cả xóm đóng cửa im ỉm cả ngày lần đêm. Vì thế những câu chuyện bỏ nhà biệt xứ, bỏ quê làm ăn xa không phải là hiếm hoi ở đây.