Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: 'Oằn mình' sống chung với bệnh tật (Bài 2)
Phóng sự 04/08/2020 16:13
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì ô nhiễm (Bài 1) |
80/100 nóc nhà có người mắc ung thư.
Nhiều năm nay xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên bị gắn trên mình cái tên “làng ung thư”. Xã Đồng Than có chín thôn nằm sát sông Bắc Hưng Hải, trong đó có xóm Trại 1 nổi lên là nơi có nhiều người mắc bệnh ung thư nhất.
Bà Ngần, người dân trong xã nói với chúng tôi: “Phải lên xóm Trại 1 ấy, cứ xóm nhà tôi chỉ có vài người thôi”. Xóm Trại 1 có hơn 100 nóc nhà, chạy dọc bờ sông Bắc Hưng Hải, trước đây xóm này là đất giãn dân của thôn Xuân Tràng.
“Xóm này là cánh lính xuất ngũ, về xây dựng gia đình, nhà đông anh em thì giãn ra đây” - anh Nguyễn Văn Thuấn kể. Những ngày đầu giãn dân, ai cũng tranh nhau được ra ven sông sống. Giờ thì ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, sợ hãi coi nó như một “vùng đất chết”.
Nước sông luôn ở trong tình trạng đen đặc như dầu luyn. |
Bản thân bố anh Thuấn cũng trở thành người thiên cổ vì bệnh ung thư. Thậm chí, em gái anh Thuấn mới 36 tuổi, cũng đang phải chống chọi với căn bệnh này.
Nắng chiều nhạt dần, anh Thuấn lập bập chạy vào nhà lấy vài ba chiếc ghế nhựa kê bờ sông, tranh thủ hóng gió khi nước sông không bốc mùi.
Anh Thuấn thở dài ngao ngán bảo, cả ngày chỉ có 1 lúc nắng nhạt mùi nó mới đỡ bốc mùi, mấy hôm trước cá chết, nổi trắng dọc bờ sông, toàn cá nhỏ chết. “Mấy năm nay, những người từng tranh nhau ra đất giãn dân này chỉ muốn bỏ nhà bỏ cửa vì không thể chịu được thứ mùi “kinh khủng hơn bất cứ mùi nào trên đời”. Nhưng biết đi đâu khi rao bán nhà, bán đất cũng chẳng ai muốn mua. Xuân Tràng có khoảng 500 hộ, mà người mắc bệnh ung thư lại tập trung cả ở xóm tôi - có giần trăm hộ, thì đến 80 hộ có người mắc ung thư” – Anh Thuấn chia sẻ.
Chẳng riêng anh Thuấn, mà bất cứ ai ở cái xóm Trại 1 này cũng có thể kể vanh vách từng người đã mất vì ung thư, rồi nhà nào có người đang chữa chạy.
Bà Hoài, người dân xóm Trại 1 nói mà như khóc: “Chúng tôi chỉ là người dân, mắt thấy nước sông Bắc Hưng Hải đen sánh như dầu luyn, mũi không thể chịu được mùi nước sông bốc lên. Trước tuổi thọ trong xóm đều ngang với những xóm khác, nhưng cỡ mười năm nay, chỉ ngoài năm mươi tuổi là các ông các bà trong xóm Trại 1 đã “đi” cả, không còn ai thọ như các cụ trong làng nữa”.
Nói đến đây, ông Tràng Văn Xá người gầy như con cá mắm đưa cặp mắt buồn rười rượu ra dòng nước lắc đầu: “Anh trai tôi, em trai tôi đều chết vì ung thư. Trong xóm có những người tầm tuổi như con tôi - đang tuổi hai mươi đã chết. Tuổi hơn năm chục như tôi, cả xóm Trại 1 còn được vài người”.
Nước sạch có lẽ là ước mơ cháy bỏng nhất của bà con Đồng Than, đã nhiều lần người dân kiến nghị, xin cơ quan chức năng kéo nước máy về nhưng không được.
Họ buộc lòng phải mua thêm máy lọc nước để lọc lại nước giếng khoan sau khi được lọc qua cát. “Bên thôn Phạm Xá cũng sống ven sông, nhưng chỉ ít hộ sống sát sông như bên này. Chỉ hôm nào gió Tây Phạm Xá mới phải ngửi mùi xú uế. Còn xóm Trại 1 chúng tôi, ngày nào cũng… hít đủ” – Anh Thuấn cho hay.
Video đại thủy nông Bắc Hưng Hải ô nhiễm:
Chưa có biện pháp khả thi
Bà con trong xã cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí một số người đã kéo lên trụ sở UBND xã đề nghị xử lý nghiêm việc xả thải, trả lại môi trường trong sạch và đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
Thế nhưng, với quyền hạn, chức năng của mình thì chính quyền địa phương chỉ có thể tiếp thu kiến nghị của người dân. Sau đó chính quyền xã lại mang ý kiến trong cuộc họp HĐND huyện Yên Mỹ về sự ô nhiễm trên địa bàn.
Gần như không một loại cá nào có thể sống được ở đây. |
Đại diện chính quyền địa phương nói như bất lực với chúng tôi rằng, họ cũng chỉ biết đưa ý kiến của dân lên huyện Yên Mỹ, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác “vô tội vạ” xuống lòng sông. Chứ thực, xã không còn giải pháp nào khác cả.
Qua tìm hiểu, năm 2019, Bộ TN&MT đã bàn đến các giải pháp để cứu nguy cho sông Bắc Hưng Hải. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải; có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước...
Bộ trưởng đã đề nghị các địa phương cần có các quy hoạch điểm tập kết chất rắn gần hệ thống sông Bắc Hưng Hải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.
Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng các nhánh sông trong khu vực.
Bên cạnh việc xử lý hành chính, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xả thải phải có cam kết lộ trình lắp đặt các hệ thống quan trắc, đổi mới công nghệ xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Lộ trình tối đa là một năm, nếu các đơn vị không đáp ứng được thì các cơ quan chức năng nhà nước có thể đề xuất đóng cửa những đơn vị xả thải.
Bộ yêu cầu Sở TN&MT các địa phương khoanh vùng xác định tùy tính chất, mức độ ô nhiễm để nâng cao quy chuẩn xả thải cho đến khi đáp ứng yêu cầu, tạm thời không cho phép, cấp phép mới các dự án xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tăng cường đầu tư hệ thống giám sát môi trường chất lượng nước, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu.
Dù người dân đã kêu, các giải pháp cũng đã đưa ra nhưng thực tế thì tình trạng ô nhiễm dòng sông Bắc Hưng Hải vẫn chưa có gì cải thiện. Dòng sông vẫn đen kịt một màu đen, ngày đêm vẫn bốc mùi hôi thối khiến hàng vạn người dân phải oằn mình chịu đựng, oằn mình sống chung với bệnh tật.
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì ô nhiễm (Bài 1) Bắc Hưng Hải xưa nay nổi tiếng là một công trình biểu tượng cho tinh thần “sẵn sàng đi bất cứ đâu”, một công trình ... |