Chuyện về hai bát phở bò

Đời sống 30/03/2025 15:02
Khi biết tin ông đã về ở tại quận Gò Vấp, tôi tìm cách liên hệ với Hội Người cao tuổi quận và phường có cả khu phố dẫn đến nhà thăm ông. Tiếp khách đến thăm nhà, dù gần 80 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, tuy thính giác có phần giảm, phải nói lớn ông mới nghe được, ông kể lại chuyện về hoạt động trong hàng ngũ lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cách nay đã hơn 50 năm.
Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; Là con một gia đình giàu truyền thống cách mạng; Cha của ông là Đinh Văn Dậu (còn gọi là Tư Dậu) từng là Bí thư huyện ủy Châu Thành, hoạt động cách mạng cùng thời với bà Nguyễn Thị Định; Năm 1963, ông Tư Dậu hy sinh trong trong trận phục kích của địch. Tổ chức cách mạng đã chỉ đạo cho mẹ ông phải làm lại giấy khai sinh đổi lại họ và tên cho ông, lý lịch họ Nguyễn là theo họ của mẹ, tên Nguyễn Thành Trung (không còn họ Đinh theo cha) để chuẩn bị cài vào hoạt động trong quân đội VNCH. Năm 1965, ông tốt nghiệp Tú tài đôi và thi đậu vào Trường Đại hoc Khoa học Sài Gòn; Năm 1968, ông nộp đơn thi tuyển vào không quân của quân lực VNCH và trúng tuyển; Năm 1969, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở Hoa Kỳ. Năm 1972 về nước, đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc sư đoàn 3 không quân, phi đoàn 540 Thần Hổ.
![]() |
Ảnh Tư liệu |
Ngày 8/4/1975, khi nhận lệnh đi ném bom vùng giải phóng ở Phan Thiết, Trung úy Nguyễn Thành Trung đã đánh lạc hướng đài chỉ huy, tách đội hình để quay lại ném bom vào Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Ông kể: “Mặc dù kế hoạch và phương án đã được tính toán kỹ lưỡng, nhưng thời điểm hành động đến rất bất ngờ đối với cả bản thân tôi. Hôm đó, một phi đội được lệnh ném bom ở Phan Thiết, vị trí số 2 vắng mặt. Tôi đang trực nên được lệnh bổ sung. Phi đội tôi cất cánh cuối cùng. Và tôi quyết định hành động. Điều tôi lo lắng nhất là làm sao tách ra khỏi đội hình mà không bị nghi ngờ, trong khi nguyên tắc bay là vô cùng nghiêm ngặt. Nhưng tôi đã tìm thấy kẽ hở. Trong đội hình bay, chỉ có số 1 được quyền đàm thoại, còn các vị trí khác ra hiệu bằng ngón tay để thông báo cho nhau những điều cần thiết. Khi số 1 và số 3 đã nổ máy, tôi ra hiệu bằng ngón tay máy bay bị hỏng điện, chưa thể bay được. Số 1 ra hiệu cho tôi nằm lại, rồi số 1 cất cánh, 5 giây sau số 3 cất cánh. Đài quan sát chỉ huy thấy tôi nằm lại thì tưởng là có trục trặc nhỏ gì đó, có thể xuất phát muộn hơn một chút. Đúng 10 giây sau, tôi cất cánh. Đó là 10 giây quyết định. Tôi bay dọc theo thành phố Biên Hòa, qua Chợ Lớn rồi đột ngột bay thẳng về phía Dinh Độc Lập. Điều tôi lo lắng lúc này không phải là bị chúng săn đuổi trên không, hay bắn từ dưới mặt đất lên mà lo bom lạc rơi vào các phố đông dân cư ở Sài Gòn; Theo dự định, tôi sẽ ném hai quả bom xuống Dinh Độc Lập, hai quả còn lại tặng cho sứ quán Mỹ. Tôi cho máy bay đổ nhào xuống và từ độ cao 1000m thì cắt bom. Khi kéo cần lái lên, tôi thấy hai đụn khói bốc lên ở ngoài sân. Trượt rồi. Tôi quyết định quay lại. Lần này bom rơi trúng vào chữ T trên nóc dinh, đúng vào bãi đổ máy bay trực thăng. Kéo cần lái lên, tôi thấy khói đen đùn qua các ô cửa sổ. Tôi quay vòng lại lần thứ 3 để nhìn cho chắc chắn, chỉ tiếc là không còn bom để giáng cho tòa đại sứ Mỹ. Ném bom xong, tôi bay về hướng kho xăng Nhà bè dùng đạn 20 li bắn xuống kho xăng, nhưng có thể địch dùng các biện pháp đặc biệt bảo vệ nên không có bồn xăng nào bị bốc cháy”. Nguyễn Thành Trung lái máy bay ra vùng giải phóng, hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến ở Bà Rá – Phước Long có đồng đội đón chờ sẳn, gặp Trung tá Đỗ Thôn là chính ủy Ban Căn cứ C50.
![]() |
Ông nói: “Khi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi hạ cánh xuống sân bay dã chiến Phước Long, tôi như trút được gánh nặng mà Đảng và nhân dân đã giao phó. Khi bay về vùng giải phóng, trong tôi trào dâng sự xúc động. Bởi qua cả ngàn giờ bay nhưng cảm nhận đó mới là giờ bay của đời tôi. Hạ cánh xuống sân bay Phước Long rất khó khăn, bởi chiếc máy bay F5E thuộc loại siêu thanh tối tân của Mỹ trang bị cho không lực Việt Nam Cộng hòa; Nó đòi hỏi đường bay cất và hạ cánh tối thiểu 3.000m, nhưng sân bay dã chiến Phước Long lúc này chỉ có đường băng 1.000m và rất gồ ghề. Mặc dù, để chuẩn bị cho giờ phút lịch sử này, theo đề xuất của tôi, quân giải phóng đã sửa lại sân bay Phước Long 2 tháng trước đó. Tôi cũng phải tập hạ cánh giả định ở đường băng 1.000m tại sân bay Biên Hòa nhiều lần trước đây, có lúc bị nổ lốp”.
Ông đã trả lời với một nhà báo đã hỏi ông về chuyến ném bom lần 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất: “Khi rời sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chuẩn bị bay vào Sài Gòn để đánh Tân Sơn Nhất, tôi nghĩ bụng chắc 9 phần chết, 1 phần sống; vì hỏa lực, máy bay đầy trời. Tôi xin cấp trên chọn thời điểm sau 16 giờ là lúc giao ca để cất cánh. Lúc đó, tôi dẫn đường cho 4 phi công, những người do tôi huấn luyện cấp tốc trong 3 ngày tại sân bay Đà Nẵng để sử dụng máy bay A-37 của Mỹ vì không có ai rành đường bay này bằng tôi cả. Thật may mắn vì đánh bom xong chúng tôi quay trở về an toàn. Người đầu tiên tôi gặp là tướng Lê Văn Tri, ông ôm tôi không nói tiếng nào và bật khóc”.
Thực ra, ông là người “cứu Sài Gòn không đổ máu, cứu được hàng ngàn sinh mệnh”, như lời của nhà báo Mỹ sang Việt Nam gặp lại ông sau giải phóng.
- “Tôi biết ngày 28/4 là ngày Tổng thống Dương Văn Minh lên nhậm chức. Ngày đó, Mỹ đang tổ chức di tản. Trong sân bay, hàng ngàn người đang chuẩn bị lên những chiếc máy bay đợi sẵn, sẵn sàng cất cánh.
Nói thật, các bác khi giao nhiệm vụ cho tôi, không cho đánh vào đường băng, tức không được ném bom vào chỗ máy bay cất cánh. Các bác bảo, để cho Mỹ họ đi. Chúng tôi chỉ đánh vào bãi đỗ máy bay. Lúc đó, bãi đỗ có nhiều máy bay, gây nên đám cháy lớn. Khi bắn vào Tân Sơn Nhất, tôi biết nhiều người phải khổ. Chiến tranh mà, biết làm sao. Mình bắn thì họ không chạy đi được. May là không ai chết.
- Năm 1994, tôi bay chuyến đầu tiên chở Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua Mỹ. Sau 19 năm giải phóng, tôi mới có dịp quay lại. Lúc đó rất may, tôi gặp được ông thầy dạy bay. Gặp nhau cũng tay bắt mặt mừng, rồi ông quay sang tôi: “Em đã thành người rồi, nhưng thôi, thầy không nói về chính trị. Mỗi người có một quan điểm riêng, mỗi đất nước có một hoàn cảnh riêng. Thầy không chê, không khen. Nhưng em có tiến bộ, có trưởng thành trong nghề, em không nói ra nhưng đã nhìn thấy nhiều thứ. Điều đó làm thầy rất mừng”. Thầy không trách móc, cũng không truy xét. Nếu đúng như thầy nói thì tôi thật hạnh phúc”
![]() |
Anh hùng Nguyễn Thành Trung (người ngồi bên phải) cùng tác giả (ngồi bên trái) và đại diện Hội NCT quận Gò Vấp |
Nguyễn Thành Trung cũng nhắc đến cuộc chiến ở Hoàng Sa năm 1974. “Chúng tôi đã chuẩn bị để dành lại Hoàng Sa, nhưng phút cuối, Mỹ không cho đánh vì đã “đi đêm” với Trung Quốc. Hồi đó, vào ngày 19/1/1974, chúng tôi kéo máy bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng, với quyết tâm đánh một trận sống mái để lấy lại Hoàng Sa cho Tổ quốc. Nhưng rồi do áp lực của Mỹ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó không cho chúng tôi ra trận. Chính vì thế, nỗi hối tiếc lớn nhất của đời tôi là không đánh được Hoàng Sa để dành lại.”
Cuộc đời tình báo của ông cũng có những nét tương đồng với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Cả hai đều được đi học ở Mỹ, đều hiểu và yêu người dân Mỹ, chính vì thế, khi chọn con đường thống nhất đất nước, hai ông đều biết mình sẽ bị bạn bè một thuở quay lưng…
- “ Nói về anh Ẩn, ảnh là người hết sức vĩ đại. Tôi rất thân với ảnh. Có những tư tưởng của ảnh tôi cũng chia sẻ, đồng hành. Chúng tôi đều đi học mấy năm ở Mỹ, biết thế nào là văn minh, biết rõ người dân Mỹ, biết thế nào là Cách mạng.”
Một nhà báo đã hỏi ông: Một người tình báo không sợ chết, vậy ông sợ nhất là gì?
- “Chết thì không sợ, nhưng sợ nhất là không thật lòng với nhau, không tin nhau, nghi ngờ nhau. Trong những lúc bị nghi ngờ, tôi cũng hiểu hết tình thế.
Thực ra, tôi biết vị trí của tôi, nên để người ta tin mình 100% thì không có đâu. Tin có mức độ thôi. Mình có sở trường gì, người ta tận dụng để sử dụng mình. Có những năm tôi bị nghi ngờ này nọ, buồn lắm. Tôi cũng phải cố gắng để vượt qua, vì có quá nhiều việc phải làm. Những năm đó họ rất cần tôi để làm sống lại những chiếc máy bay Mỹ bỏ lại hàng tháng trời. Tôi đã bay thử tổng cộng 47 chiếc. Biết là nguy hiểm, mỗi lần bay là dự tính có thể phải nhảy dù nếu máy móc hỏng hóc, nhưng là nhiệm vụ cũng phải bay. Rồi đào tạo rất nhiều thế hệ phi công tiếp nối. Mình cứ làm việc mình. Ai hiểu thì mình cảm ơn, còn không hiểu cũng chẳng sao. Máy bay tôi bay thử, người ta đổ cho tôi rất ít xăng, đủ để bay lên rồi hạ cánh, vì sợ vượt biên như một số cấp tá của VNCH trá hàng từng làm. Tâm trạng tôi thế nào chắc ai cũng rõ. Tôi không theo nước ngoài, mình còn lạ gì tư tưởng của họ. Mình ở lại với đất nước mình, với dân mình. Nước mình nghèo, mình vẫn chấp nhận, tôi thấy đó là lựa chọn đúng”.
Anh hùng phi công, đại tá Nguyễn Thành Trung đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/1994, từng là Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, giáo viên bay Boeing 777, kiểm tra viên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và đã nhiều lần được giao lái chuyên cơ phục vụ các nhà lãnh đạo cao cấp nước ta đi công tác nước ngoài.
Nguyễn Thành Trung còn tiếp tục được giao nhiệm vụ huấn luyện lái máy bay quân sự A37, F5, rồi AH26. Mãi đến năm 1990, khi nền kinh tế nước ta chuyển mình, ông mới được điều sang lái máy bay vận tải hành khách. Mấy năm đầu ông lái máy bay TU 134 của Liên Xô (trước đây) và từ năm 1993 Cục Hàng không Việt Nam thuê máy bay Boeing 767, đã giao cho ông lái máy bay đó trên các tuyến bay Hà Nội - Moskva - TP Hồ Chí Minh, và đi một số nước khác trong khu vực như Đài Loan, Australia, Singapore, Thái Lan... Ước mơ của ông giờ đây là cố gắng học hỏi để có thể làm chủ kỹ thuật các loại máy bay hiện đại nhất của các hãng hàng không thế giới, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tính đến thời điểm 2007, ông đã có gần 24.000 giờ bay, trong đó có 6.000 giờ lái máy bay quân sự. Mặc dù trước đây ông đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), song ông vẫn tiếp tục được giao lái máy bay chuyên cơ phục vụ các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta đi thăm nước ngoài.
Theo lời ông kể, ông đã có vinh dự được lái chuyên cơ phục vụ tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ và Quốc hội nước ta, các Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lê Đức Anh; các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Ông coi đó là sự tín nhiệm chính trị tuyệt đối của Đảng và Nhà nước đối với ông.
Hiện Vietnam Airlines có 5 tổ lái Boeing và 5 tổ lái Airbus có đủ tiêu chuẩn lái chuyên cơ. Tất cả những thành viên của các tổ lái này phải bảo đảm tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và chế độ, phải nắm vững kỹ thuật bay và đã đủ một số giờ bay theo quy định, trong quá trình lái chưa hề mắc sai phạm nghề nghiệp.
Nguyễn Thành Trung không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần ông được chọn làm cơ trưởng của những chuyến chuyên cơ như thế. Nhưng ông bảo có hai chuyến đã gây ấn tượng mạnh, suốt đời ông không thể nào quên. Đó là chuyến đưa đồng chí Lê Đức Anh, khi đó là Chủ tịch nước, đi dự Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1995.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm ông rời khỏi nước Mỹ, khi ấy trở lại, ông lại là cơ trưởng lái chiếc máy bay Boeing lượn trên bầu trời nước Mỹ, nhưng không phải máy bay quân sự đem theo bom đạn, mà là chở một sứ giả hòa bình tới dự hội nghị của một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới. Ông bảo, khi ấy trong ông niềm vui sướng và kiêu hãnh dâng lên cao độ.
Chuyến chuyên cơ tiếp theo là chở Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada. Trong chuyến thăm 12 ngày đêm, chuyên cơ đã bay 44 giờ, vượt qua quãng đường 36.000 km, đáp xuống và bay lên ở 5 sân bay nước Mỹ và 3 sân bay Canada. Lần này đội bay do Nguyễn Thành Trung làm cơ trưởng đã được vinh dự phục vụ Thủ tướng và hầu như một nửa số thành viên Chính phủ, hơn 100 quan chức của các bộ, ngành. Ngoài ra, còn có 80 đại diện của các doanh nghiệp lớn trong cả nước và hàng chục nhà báo.
Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và cả từ khi xuất hiện trên bản đồ thế giới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm, thì đây là lần đầu tiên Thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta mới tới thăm Hoa Kỳ.
Ông kể rằng trong suốt hành trình bay, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó cũng hết sức ân cần quan tâm tới công việc và trách nhiệm nặng nề của tổ bay, chốc chốc Thủ tướng lại vào khoang lái để trò chuyện động viên anh em đội bay. Và có lẽ chính vì mọi người đều ý thức tầm quan trọng của chuyến đi thăm đó, nên đã tuyển chọn đội bay gồm tất cả những người giàu kinh nghiệm nhất, nắm vững kỹ thuật bay và ứng xử chu đáo, kể cả 16 tiếp viên, tất cả đều là những tiếp viên trưởng.
Câu chuyện còn dài nhưng do biết ông sức khỏe giảm sút, bị vài bệnh của người già như tăng huyết áp, tiểu đường, mở máu cao… cách nay 1 năm ông bị nhồi máu cơ tim phải cấp cứu ở bệnh viện Tâm Anh nên không thể tiếp chuyện lâu với chúng tôi. Ông có 4 người con, 2 người con trai là phi công, 2 người con gái cũng là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Vợ ông từng làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc quận Tân Bình, mất năm 2021, hiện ông sống với 2 người cháu chăm lo cho ông hằng ngày. Chúc ông luôn mạnh khỏe để chứng kiến những đổi thay và phát triển của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước.