Đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 17/11/2023 11:24
Đảng là người lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng là thành viên. Đảng lãnh đạo bằng việc xác định chính sách mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng thời kì của cách mạng. Đảng vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng; lấy lòng nhân ái để cảm hóa, khơi dậy tinh thần tự giác của mọi người. Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với các giai cấp, mọi tầng lớp, vì lợi ích chung của Tổ quốc, của dân tộc.
Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Đảng không thể đòi hỏi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Theo Người, từ đoàn kết dân tộc phải đi đến đại đoàn kết quốc tế. Đại đoàn kết dân tộc đúng đắn là cơ sở cho việc thực hiện đại đoàn kết quốc tế trong sáng. Đoàn kết quốc tế là nhân tố rất quan trọng, giúp cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ảnh minh họa |
Nhưng trước thực tế này, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta; phá hoại khối đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc, bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu cụ thể đến năm 2020, kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện khát vọng đó, phải có sự nỗ lực lớn của toàn dân; tạo được khối đoàn kết muôn người như một, có niềm tin vững chắc gửi vào Đảng. Việc then chốt là phải xây dựng để Đảng thật sự vì dân; có quan hệ máu thịt với Nhân dân, để dân tin. Đảng phải quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: “Nhờ đoàn kết chắt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh, đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng lớn, có giá trị lí luận và thực tiễn sâu sắc với cách mạng nước ta. Thực tiễn 93 năm qua đã chứng minh sức sống kì diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong giai đoạn mới của cách mạng, thực hiện tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết; bởi vẫn là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhà thơ Nam Hà đã viết: Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận cùng trời/ Và cho dân ta đi tới cuối đất/ Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi !...