Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 4)
Sức khỏe 30/10/2020 09:40
A. Công năng tạng Tâm với sức khỏe con người
3. Tâm là Quân Hỏa:
Sức sống con người nhờ Tâm khí và Tâm huyết tưới nhuần đến mọi chỗ, không nơi nào trên cơ thể không được hưởng sự ấm nóng ấy. Ngũ tạng lục phủ nhờ vào sự nóng ấm ấy mà phát sinh, phát triển. Hỏa của Tâm là Quân Hỏa, trong khi đó Hỏa của Tâm bào, Tam tiêu của Thận đều là Tướng hỏa, những thứ hỏa này nhằm bổ sung và hỗ trợ cho quân hỏa.
4. Tâm khai khiếu ra lưỡi:
Lưỡi và tạng Tâm có quan hệ mật thiết với nhau. Tạng Tâm biểu hiện ra lưỡi, hay nói cách khác lưỡi nói lên tình trạng của Tâm:
Lưỡi cử động linh hoạt là Tâm khí tốt.
Lưỡi bị lệch vẹo, nói năng ngọng nghịu là Tâm thần bệnh.
Chót lưỡi thuộc Tâm:
Chót lưỡi có màu hồng, nhuận là Tâm huyết đủ.
Chót lưỡi có màu đỏ là tâm huyết nhiệt.
Chót lưỡi có màu nhợt nhạt là Tâm huyết hư.
Chót lưỡi có màu tím là Tâm huyết ứ.
5. Các vùng trên cơ thể có liên quan đến tạng Tâm
Do đường kinh Tâm (kinh Thủ thiếu âm Tâm) có đi qua hoành cách mô, Tiểu trường, Phế, cổ họng, thực quản, mắt nên trong bệnh lí của tạng Tâm thường xuất hiện những triệu chứng có liên quan đến các vùng cơ thể kể trên.
Quan hệ giữa Tâm với Tiểu trường là quan hệ giữa Biểu và Lí, giữa Tạng và Phủ. Thông qua sự liên hệ của kinh mạch mà Tạng Tâm và Phủ Tiểu trường có quan hệ lẫn nhau.
Quan hệ giữa Tâm và Phế là mối quan hệ về vị trí và công năng hoạt động:
Về vị trí cơ thể: Cả tạng Tâm và tạng Phế cùng nằm ở thượng tiêu, bệnh lí của tạng này sẽ ảnh hưởng đến tạng kia và ngược lại.
Về công năng hoạt động: Tâm chủ huyết và Phế chủ khí. Khí và huyết là 2 dạng vật chất cơ bản cho hoạt động tạng Phủ và cơ thể.
Ngoài ra theo quy luật ngũ hành tương sinh, tương khắc thì Tâm hỏa khắc Phế kim.
Tạng Tâm và tạng Tì có mối quan hệ tương sinh: Tâm hỏa sinh Tì thổ. Ngoài ra, Tâm chủ huyết, mà huyết là tinh hoa của thủy cốc được khí hóa ở Tỳ, Tì giữ huyết đi trong lòng mạch.
Tạng Tâm và tạng Thận có mối quan hệ tương khắc. Theo thuyết ngũ hành, tạng Tâm thuộc hành hỏa, còn tạng Thận thuộc hành thủy mà thủy khắc hỏa cho nên Thận thủy khắc Tâm hỏa. Ngoài ra tạng Tâm ứng với quẻ Li, tạng Thận ứng với quẻ Khảm. Hai quẻ này chồng lên nhau thành quẻ Thái, ý nghĩa là thủy hỏa kí tế. Tâm hỏa và Thận thủy giao hòa nhau tạo quân bình cho cơ thể.
Tâm có Tâm bào lạc là ngoại vệ của Tâm, bảo vệ tạng Tâm đồng thời chấp hành mệnh lệnh của Tâm.
6. Tâm bào lạc
Cơ thể chúng ta có ngũ Tạng nhưng lại có đến lục Phủ. Như vậy trong mối quan hệ biểu lí giữa tạng và phủ chưa được cân đối, cần phải có thêm một tạng nữa. Do tạng Tâm có chức năng quân chủ, là vị vua (tối quan trọng) nên nó cần phải có sự bao bọc, bảo vệ bên ngoài. Vai trò này được thực hiện bởi Tâm bào. Tâm bào lạc được coi là một tạng, thuộc tướng hỏa, vì Tâm bào là thần sứ của Tâm. Tâm bào là màng bao bọc của Tâm, còn được gọi là Thủ Tâm chủ, vì nó được ví như cánh tay của Tâm, thay mặt tạng Tâm (vua) mà hành sự.
Chức năng sinh lí của tạng Tâm bào đó là bảo vệ tạng Tâm đồng thời chấp hành mệnh lệnh của Tâm.
Tâm bào là tổ chức ngoại vệ của Tâm: Tâm bào bao bọc tạng Tâm để bảo vệ cho Tâm, ngăn cản không cho tà khí xâm nhập vào Tâm. Tà khí xâm nhập vào cơ thể, nói chung sẽ đi từ ngoài vào trong, từ biểu vào lí. Nên chức năng chính của Tâm bào là bảo vệ cho Tâm.
Trong thiên Tà khách sách Linh Khu nói: “Tâm là vị đại chủ của Ngũ tạng lục phủ, ngoại tà không thể lọt vào được, nếu lọt vào được thì Tâm thương, Tâm bị thương thì Thần đi mất, Thần mất thì chết, cho nên mọi thứ tà khí vào đều ở Tâm bào”. Điều đó đã nói rõ Tâm bào lạc có tác dụng bảo vệ tạng Tâm, không cho ngoại tà xâm nhập vào tạng Tâm.
Những vùng cơ thể có liên quan đến Tâm bào:
Do đường kinh của Tâm bào (kinh Thủ quyết âm Tâm bào) có đi qua các vùng sau: Vùng ngực, sườn, hõm nách, dọc bờ trong cánh tay giữa 2 kinh Tâm, Phế và xuống cơ hoành và bụng liên lạc ba tầng Thượng, Trung, Hạ của Tam tiêu, nên trong bệnh lí Tâm bào có xuất hiện những triệu chứng có liên quan đến vùng cơ thể nêu trên.
Tâm bào lạc và Tam tiêu có quan hệ biểu lí về tạng phủ và trên đường kinh.
Tâm chủ quân hỏa mà Tâm bào lại là Tướng Hỏa, cho nên trên lâm sàng các triệu chứng bệnh hay cùng xuất hiện và hay được phối hợp để chữa bệnh.
Mời quý độc giả đón đọc kì 5 với nội dung tiếp theo của: “Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 3) |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 2) |
Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 1) |