Vingroup hợp tác với Cleveland Clinic xây dựng bệnh viện Vinmec Cần Giờ theo chuẩn quốc tế

Sức khỏe 10/03/2025 09:20
- Trước hết, là vấn đề ăn kiêng về số lượng. YHCT thường xuyên khuyên con người, bất kể tuổi tác, giới tính, bị bệnh hay không bị bệnh, đều phải ăn uống có chừng mực và điều độ, tránh ăn no quá mức hoặc để đói quá lâu. Sách Tố vấn viết: “Ăn uống bị bội thực thì ruột và dạ dày sẽ bị tổn thương”. Hải Thượng Lãn Ông cũng khuyên một cách rất chí lí: “Trong cái no nên để một chút đói, chứ đừng để trong cái đói có thừa một chút no”.
Trong YHCT, tì và vị là hai bộ phận có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng vai trò chủ yếu trong việc thu nạp, tiêu hoá, hấp thu và phân bố chất dinh dưỡng, tạo nên cái gọi là “tinh hậu thiên”, thứ vật chất cơ bản để duy trì sự sống cùng với “tinh tiên thiên” vốn được bẩm thụ từ tinh cha huyết mẹ. Nếu ăn uống vô độ lâu ngày sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công năng của tì vị, đặc biệt là ở những người tì vị vốn đã hư yếu, tạo nên các hội chứng bệnh lí như chứng Tì khí hư, biểu hiện bằng các triệu chứng ăn kém, chậm tiêu, hay đầy bụng, đại tiện lỏng hoặc nát, tay chân vô lực, dễ mệt, có thể phù nhẹ, sắc mặt vàng nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch hư hoãn.
![]() |
Ảnh minh họa |
- Thứ hai, là vấn đề ăn kiêng về chất lượng. YHCT cho rằng, mục đích ăn uống thường bao gồm hai loại: ăn để bồi bổ (thực bổ) và ăn để phòng và chữa bệnh (thực trị). Đối tượng sử dụng có thể là người bình thường hoặc những người đang mắc một hay nhiều bệnh lí nào đó. ở người bình thường, thể chất mỗi người vốn khác nhau, có người thể chất thiên hàn hay thiên nhiệt, thiên âm hoặc thiên dương. ở người bị bệnh thì tình trạng thiên lệch giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt lại càng rõ ràng tạo nên sự mất cân bằng trầm trọng, cần phải can thiệp bằng các biện pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc để nhằm mục đích tái lập lại thế cân bằng vốn có.
Trong khi đó, thức ăn nói chung dù là thuốc hay không dùng làm thuốc, theo YHCT đều có tính vị hàn lương, ôn nhiệt, cay đắng mặn ngọt... khác nhau. Bởi thế, về nguyên tắc việc dùng các loại thực phẩm, thức ăn cũng tương tự như việc sử dụng các vị thuốc của y học cổ truyền. Nghĩa là, cũng phải nắm được đầy đủ tính vị của chúng để từ đó vận dụng sự thiên thắng thiên suy của đồ ăn thức uống mà điều chỉnh sự thiên thắng hoặc thiên suy của tình trạng bệnh tật trong cơ thể con người, tuân thủ triệt để theo nguyên tắc “hư thì bổ, thực thì tả” của YHCT. Ví dụ, người dương hư với biểu hiện toàn thân sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, khó thở, mệt mỏi, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, liệt dương, di tinh... phải trọng dụng các vị thuốc và thực phẩm có tác dụng bổ dương, ôn dương, trợ dương, đồng thời phải kiêng kị các thức ăn có tính âm hàn như dưa hấu, dưa chuột, thanh long, ngó sen, ba ba, hải sâm, ngao sò, mộc nhĩ... Người âm hư có biểu hiện chứng trạng hư nhiệt như có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, đau đầu, chóng mặt, lòng bàn tay và bàn chân nóng, người gầy, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ... phải trọng dụng các thực phẩm và vị thuốc có tính bổ âm, tư âm, dưỡng âm và kiêng kị các vị thuốc và thực phẩm có tính ôn nhiệt như thịt chó, thịt dê, nhãn, vải, mít, gừng, tỏi, hạt tiêu...
- Thứ ba, ở những người bị bệnh đang phải dùng thuốc YHCT còn cần phải kiêng các thức ăn có tính đối kháng, dễ làm mất hoặc hạn chế công dụng của thuốc. Đầu tiên là những thực phẩm có tác dụng đối nghịch với thuốc, ví như trường hợp bị nhiệt chứng đang phải dùng các thuốc có tính mát lạnh để thanh nhiệt, giải nhiệt thì không nên dùng các thức ăn có tính ấm nóng, vì như vậy vừa hạn chế công năng của thuốc, vừa làm cho tình trạng bệnh lí nặng lên. Thứ hai, là những thực phẩm có tính tương kị với từng vị thuốc cụ thể, ví dụ: Thiên môn kị cá chép, bạch truật kị đào và mận, thục địa kị hành, cà rốt và hẹ...Trên thực tế, sự tương kị này mang tính tổng kết kinh nghiệm của cổ nhân, còn đứng về phương diện hoá học và dược lí học hiện đại thì dường như chưa có câu trả lời thích đáng. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ vấn đề ăn kiêng đã được người xưa xem xét tỉ mỉ và tổng kết rất công phu.
- Thư tư, là vấn đề ăn kiêng theo mùa. Theo triết học phương Đông, con người là một chỉnh thể, một vũ trụ thu nhỏ, nhưng con người không thể thoát khỏi sự chi phối của vũ trụ lớn, của môi trường bên ngoài. Bởi vậy, một trong những học thuyết chi phối YHCT là học thuyết “thiên nhân hợp nhất”, nghĩa là cơ thể con người luôn luôn thống nhất và chịu sự chi phối của hoàn cảnh bên ngoài. Từ đó, mọi hoạt động sống của con người dù muốn hay không vẫn phải thuận theo các quy luật của tự nhiên, trong đó có cả vấn đề ăn uống. Cổ nhân nói: “Nhân nhân chế nghi, nhân địa chế nghi, nhân thời chế nghi”, nghĩa là ẩm thực phải tuỳ người, tuỳ điều kiện địa lí và tuỳ điều kiện khí hậu, thời tiết, tức là ăn uống phải theo mùa. Trên thực tế, với sự phát triển của công nghệ sinh học, giao thông và thông tin hiện nay, vấn đề ăn uống “tuỳ thời” đã phai nhạt khá nhiều.
- Thứ năm, là vấn đề kiêng kị sự thiên lệch, nghĩa là không nên ăn quá nhiều, quá lâu một thứ nào đó. Tại sao như vậy? Y thư cổ đã giải thích rất rõ: “Năm vị khi vào cơ thể, đi vào các cơ quan tạng phủ và có thể gây bệnh. Chua đi vào gân, ăn nhiều nó người sẽ mỏi mệt; mặn đi vào máu, ăn nhiều nó sẽ khát nước; cay đi vào khí, ăn nhiều nó sẽ hại tim...” (Linh khu - Ngũ vị luận). Ngay cả khi đã lựa chọn được các thức ăn phù hợp với thể chất và tình trạng bệnh tật của cơ thể, người xưa cũng khuyên không nên dùng quá mức vì có thể đem lại hậu quả ngược lại, “vật cực tắc phản”, “âm cực sinh dương”, “dương cực sinh âm” chính là như vậy. Ví dụ: Người bị bệnh thuộc thể Âm hư thì nên dùng các thức ăn có tác dụng bổ âm, dưỡng âm, nhưng không nên dùng quá nhiều vì âm thịnh có thể khắc phạt, làm hại đến dương khí trong nhân thể.
- Cuối cùng, người xưa còn rất chú trọng đến vấn đề kiêng kị giữa các loại thực phẩm, nghĩa là khi ăn thứ này thì không nên ăn thứ kia và ngược lại. Ví như:
- Không nên ăn khoai lang cùng các thức ăn có vị chua.
- Bí đao không nên ăn chung cùng các loại cá.
- Mướp đắng không nên ăn cùng với cá sa-đin và dễ gây bệnh mày đay.
- Không dùng bí đỏ cùng thịt dê, thịt cừu vì dễ gây cước khí.
- Cải xoong không nên nấu hoặc ăn cùng cá diếc.
- Không nên ăn cà cùng ba ba, chuối và cá quả. Cũng không nên ăn cùng rong biển vì sẽ làm mất hết chất i-ôt có trong rong biển.
- Không ăn ớt cùng gan dê, đu đủ và củ cải.
- Thịt lợn không nên ăn cùng kiều mạch vì dễ gây rụng tóc, cũng không nên ăn cùng thịt chim bồ câu và cá diếc vì dễ gây đầy bụng.
- Mật lợn không dùng cùng quả hồng vì có thể bị sỏi thận.
- Không ăn bong bóng lợn cùng quả thông 5 lá và sẽ dẫn đến tì hư, hoạt tinh.
- Tụy lợn không ăn cùng hạt dẻ vì dễ gây táo bón.
- Ruột già lợn không nên ăn cùng khoai môn (dễ gây tiêu chảy) và thịt thỏ (dễ gây đầy bụng, đau bụng, chậm tiêu).
- Không ăn tiết lợn cùng với rau chân vịt và các loại hoa quả có độ chua cao vì có thể gây sỏi tiết niệu.
- Thịt dê không nên ăn cùng kiều mạch và đậu đỏ.
- Không ăn bồ dục dê cùng đậu đỏ và thịt gà rừng.
- Thịt bò không nên ăn cùng hạt dẻ, hạt kê, mật ong và cá.
- Thịt chó kị hạnh nhân, đậu xanh, cá chép và lươn trạch. Sau khi ăn thịt chó không nên uống trà đặc.
- Thịt thỏ không nên ăn cùng thịt vịt vì dễ gây tiêu chảy. Thịt thỏ còn kị cải trắng và kiều mạch.
- Thịt chim cút không nên ăn cùng thịt lợn vì có thể làm xạm da mặt.
- Thịt vịt không nên ăn cùng ba ba, hồ đào, mộc nhĩ và kiều mạch.
- Hạt sen không ăn cùng cua, thịt rùa vì dễ bị ngộ độc.
- Quả râu không nên ăn cùng với bánh bao, bánh hấp, trứng vịt. Cũng không nên ăn cùng rau hẹ vì có thể gây tiêu chảy.
- Quả lựu không được ăn cùng đồ biển.
- Quả trám không được ăn cùng hành, hẹ vì dễ gây tiêu chảy. Cũng không nên ăn cùng với cua và dễ gây viêm dạ dày.
- Hạch đào không nên ăn cùng đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành.
- Đại táo không nên ăn cùng cá trắm đen, lươn, trạch, cá nheo, đồ biển và hành tây, hành ta.
- Không nên ăn nhiều nho cùng với đồ biển, cá và nhân sâm.
- Sơn tra không nên ăn cùng hành và tỏi.
- Chân gấu không được ăn cùng cá nheo, cá trắm đen.
- Thịt hươu không nên ăn cùng thịt vịt, cá, tôm.
- Nấm đầu khỉ không được ăn cùng thịt chim bồ câu, thịt mèo.
- Tổ yến không nên ăn cùng thịt chó và thịt dê.
- Thịt bồ câu không nên ăn cùng gan lợn, thịt lợn vì dễ gây đầy chướng. Cũng không nên ăn cùng cá diếc, tôm và có thể bị mày đay.
- Thịt chim sẻ không nên ăn cùng gan lợn và đồ biển.
- Mộc nhĩ đen không nên ăn cùng trứng vịt và đồ biển.
- Mộc nhĩ trắng không nên ăn cùng đồ biển.
- Không ăn tôm cùng thịt dê.
- Thịt ba ba và rùa không nên ăn cùng thịt mèo, thịt thỏ, thịt vịt, trứng vịt và rau sam.
- Lươn không nên ăn cùng thịt chó. Đặc biệt lươn xanh không được ăn cùng rau kinh giới.
- Cá chép không ăn cùng thịt chó.
- Cá diếc không ăn cùng gan lợn, rau cải và củ mài.
- Cá chạch không nên ăn cùng thịt chó.
- Cua không nên ăn cùng rau kinh giới và quả hồng.
- ốc biêu không nên ăn cùng bí đao, mướp, mộc nhĩ, đường và thịt tắc kè.
- ốc sên không nên ăn cùng cua vì dễ gây mày đay.
Hiện nay, những vấn đề kiêng kị này vẫn chưa được chứng minh. Người xưa có câu: “Tri kì nhiên, bất tri kì sở hữu nhiên” (biết là thế nhưng không biết vì sao như thế). Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải bằng khoa học kĩ thuật hiện đại để “Tri kì sở hữu nhiên”.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề ăn kiêng trong y học cổ truyền là hết sức quan trọng và tuân thủ một cách chặt chẽ theo nguyên tắc chỉ đạo dựa trên lí luận có tính biện chứng của triết học phương Đông. Đồng thời, ăn kiêng cũng là một biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hoá dân tộc trong ăn uống. Tuy nhiên, đây là một vấn đề còn hàm chứa nhiều ẩn số chưa được giải thích rõ ràng dưới ánh sáng của khoa học hiện đại và cũng tỏ ra khá phức tạp khi ứng dụng vào thực tế cuộc sống.