Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền (Kì 3)
Sức khỏe 26/10/2020 08:43
A. Công năng tạng Tâm với sức khỏe con người
Tạng Tâm là chủ của hoạt động sinh mệnh của cơ thể, các tạng trong cơ thể phân công hợp tác dưới sự thống lĩnh của tâm có thể hoạt động theo quy luật nhất định được. Chính vì vậy, ảnh hưởng của tạng tâm đối với sinh mệnh rất lớn. Tạng Tâm có 2 công năng chính sau:
1. Tâm chủ thần minh
“Thần minh” là hoạt động của tinh thần, ý thức và tư duy. “Tâm chủ thần minh” là nói tâm làm chủ các hoạt động ý thức, tư duy. Cho nên trên lâm sàng thấy những bệnh có liên quan tới “thần kinh” như: Hồi hộp, phiền nóng trong tim, hoảng sợ, mất ngủ, nói sảng, hôn mê, cười không nghĩ… phần nhiều quy vào phạm vi bệnh của tâm, hoặc cho là có quan hệ với tâm.
Trong thiên Lục tiết tạng tượng luận sách Tố Vấn ghi “Tâm là nguồn gốc của sinh mệnh, là nơi biến hóa của thần”. Thần là tiếng gọi chung về hoạt động sống của con người bao gồm tinh thần, ý thức, tri giác và vận động.
Thần tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng lại là cơ sở vật chất quan trọng của sự sống. Thần do tinh tiên thiên và tinh hậu thiên phối hợp với nhau mà sinh ra. Thần được tạo ra rồi tạng trữ ở Tâm. Trong thiên Bản thần, sách Linh khu có ghi: “Cái đến cùng sự sống là tinh, hai tinh tác động lẫn nhau tạo ra thần”.
Thần biểu hiện sức sống của con người, cho nên thần thịnh hay suy đều thể hiện cho sức sống của một người mạnh hay yếu. Thần còn thì sống, thần mất thì chết.
Ngũ tạng lục phủ dưới sự chỉ huy của “thần” tiến hành hoạt động sinh lí nhịp nhàng thống nhất với nhau. Nếu tạng tâm có bệnh, thần không tự chủ được thì hoạt động của các tạng phủ sẽ mất nhịp nhàng cân đối, làm cho sinh lí bị rối loạn, từ đó mà sinh ra bệnh.
Chính vì tạng tâm chủ thần minh, làm chủ của ngũ tạng lục phủ nên mỗi khi bị tà khí xâm phạm thì uy hiếp rất lớn đến sinh mệnh. Cho nên, thiên linh đan bí điểm luận sách Tô Vấn nói: “Tâm giữ chức vụ quân chủ, thần minh từ đó mà ra… Cho nên chủ không sáng suốt thì 12 tạng đều nguy”.
2. Tâm chủ huyết mạch, tinh hoa của tâm biểu hiện ra ở mặt:
Trong Thiên Quyết khí luận, sách Linh khu có đoạn: “Trung tiêu bẩm thụ khí, giữ lại trấp dịch. Tâm khí biến hỏa đỏ ra gọi là huyết”. Mạch là một trong ngũ thể, mạch bao bọc huyết dịch chu lưu toàn thân không ngừng. Thiên Lục tiết tạng trọng luận, sách Tố Vấn có đoạn: “Tâm là gốc của sinh mệnh, vinh nhuận ra ở mặt, làm đầy đủ ở huyết mạch”.
Huyết là do tâm làm chủ, mạch là đường ống của huyết lưu hành, tâm với huyết mạch phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Trong việc thúc đẩy sự vận hành tuần hoàn của huyết dịch, tâm với mạch có sự hợp tác với nhau, nhưng làm nên tác dụng chủ động vẫn là tạng tâm.Vì vậy, huyết tuy có công năng dinh dưỡng vẫn phải nhờ vào sự hoạt động của tâm mạch.
Nếu người có công năng của tâm thần được kiện toàn huyết mạch được thịnh vượng thì sắc mặt hồng nhuận sáng bóng có thần, trái lại thì nhợt nhạt, không tươi. Nếu huyết vận hành bị trở ngại, huyết dịch bị ngừng trệ thì sắc mặt hay thấy xám đen, nếu huyết ngừng đọng không lưu thông, mất dinh dưỡng thì chẳng những sắc mặt bị sạm đen mà còn khô như củi nữa.
Tâm chủ thần minh, lại như huyết mạch, thần nhờ huyết khí mà tươi sáng, huyết khí mà bất hoà thì thần minh thường cũng mất bình thường. Cho nên, tâm khí hư thì thần sút kém mà buồn bã. Tâm khí thịnh thì thần mạnh khoẻ mà cười luôn. Hoạt động của thần minh cũng ảnh hưởng đến huyết mạch, nếu lo buồn tư lự quá độ thì tổn thương tâm khí.
Sự hoạt động của ngũ tạng, lục phủ, lại cần nhờ vào sự nuôi dưỡng của khí huyết. Vì thế hoạt động của thần minh, huyết mạch, tạng phủ có liên hệ chặt chẽ với nhau; từ đó mà đã nói rõ được tâm là chủ thể sự hoạt động sinh mệnh của cơ thể là chủ toàn diện.
Mời quý độc giả đón đọc nội dung tiếp theo của: “Con người dưới cách nhìn của Y học cổ truyền”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt – Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. http://www.alosuckhoe.vn Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |