Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc giải phóng phụ nữ
Trong mắt người già 20/10/2023 15:53
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người viết: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ ta vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sản xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc, kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây thực sự là một cuộc cách mạng”.
Với tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng to lớn của phụ nữ thành động lực mạnh mẽ để cách mạng Việt Nam đi lên, làm cho Tổ quốc Việt Nam được độc lập, Nhân dân được tự do, hạnh phúc, phụ nữ Việt Nam được bình đẳng giới, được giải phóng, được sống trong tự do và tiến bộ.
Bác Hồ với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu |
Quan điểm của Người cho rằng, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đã khẳng định: Sự bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do nền kinh tế - xã hội. Đó là con đường đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, nghèo nàn và bất bình đẳng giới. Từ đó Người đã kêu gọi: “Thực hiện nam nữ bình quyền” để giải phóng cho người phụ nữ. Chính vì vậy, suốt cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, về sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ…
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống Pháp và Mỹ, Người đồng cảm với nỗi lòng của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Người cho rằng đó là những lớp người khổ nhất trong những người cực khổ. Người đã lên tiếng vạch trần những hành động dã man của lũ mặt người dạ thú của bọn xâm lược. Cả sự nghiệp cách mạng cao cả của Người với nội dung đấu tranh chống áp bức nô dịch phụ nữ là một chủ trương lớn và rất quan trọng. Theo quan điểm của Người, giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Giải phóng dân tộc để tạo tiền đề đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ.
Những lần có dịp đến dự ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, người đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam với câu tục ngữ rất hùng hồn “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Từ Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu nước cho đến ngày nay khi Tổ quốc gặp nguy nan thì phụ nữ ta đã đứng lên mạnh mẽ đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là những: “Đội quân tóc dài”, tiêu biểu như nữ tướng Nguyễn Thị Định, đó là hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ rất mưu trí, dũng cảm làm cho quân địch phải khiếp sợ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Trong những năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những giải pháp, pháp luật, chính sách cụ thể để từng bước đưa phụ nữ tham gia vào những hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội; thực hiện bằng được giải phóng phụ nữ một cách triệt để. Nhằm đưa vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngang bằng với nam giới trong xã hội. Người cho rằng, giữa nam và nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều có quyền bình đằng giới như nhau, không được trọng nam và coi thường phụ nữ.
Từ quan điểm tư tưởng đó, Người đã sáng tạo ra nhiều giải pháp để từng bước đi tới giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem công việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng nước ta.
Ngày nay thông qua hệ thống chính trị và chính sách xã hội, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Và phụ nữ Việt Nam chính là động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kì đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng, định hướng của Người.