Non sông gấm vóc do phụ nữ ta, trẻ cùng già ra sức dệt thêu
Xã hội 08/03/2021 09:25
Người mẹ đầu tiên của người Việt là mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng đã lập nên Nhà nước Văn Lang. Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, GS Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen) nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”.
Mùa Xuân năm Canh Tý 40, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán và khôi phục được chính quyền tự chủ cho người Việt. Sử thần Lê Văn Hưu trong “Đại Việt Sử kí Toàn thư” nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.
Nước ta chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến của Trung Hoa bắt đầu từ thời kì Bắc thuộc. Quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.
Tuy nhiên, xã hội của người Việt lại rất dị ứng với điều này qua việc coi người phụ nữ chính là chủ của cái cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”,“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đặc biệt, người phụ nữ còn có vai trò rất quan trọng: “Lệnh ông không bằng cồng bà”...
Nguyễn Du cũng không dịch truyện “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt mang tư tưởng nhân văn sâu sắc về người phụ nữ. Đặc biệt, chữ “Trinh” của Kiều theo Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”. Đánh giá về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng viết: Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều. Như vậy, truyện Kiều chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Hoa.
Luật Hồng Đức bộ luật tiến bộ nhất trong thời kì phong kiến của nước ta của nhà Lê bảo đảm cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi li hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do hai vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.
Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lê-nin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Người cũng nhận định: “Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”. Bởi thế, trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta, Người không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776 mà viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”.
Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”.
Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước ta đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Còn trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được ưu tiên như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”; “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”; “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.