Chủ quyền về tài sản hợp pháp của bà Nguyễn Thị Tương bị xâm hại như thế nào?
Đơn thư bạn đọc 14/06/2021 15:42
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CC 308743 ngày 10/12/2015, của bà Nguyễn Thị Tương, do Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cấp. |
Từ thỏa thuận bằng miệng ...
Theo đơn phản ánh của đại diện bà Tương, Công ty Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ, có 2 thửa đất nằm giáp ranh với thửa đất số 200 của bà Tương. Ông Vũ gặp bà Tương, thỏa thuận: Nhận chuyển nhượng của bà Tương một phần diện tích đất, đủ làm một con đường nhỏ (nằm sát mép suối Đạ M’ri, thuộc thửa 200 của bà Tương). Đổi lại, ông Vũ sẽ trả cho bà Tương công trình xây một phần nhà bếp trên thửa đất số 203, tờ bản đồ số 12, do ông Vũ đứng tên chủ sử dụng.
Việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên, chỉ bằng miệng, nên không thể có công chứng hoặc chứng thực.
... Đến “mượn gió bẻ măng”
Bà Tương xây dựng công trình nhà bếp trên phần đất của mình và xây nới 1 phần nhà bếp sang phần đất thuộc thửa số 203 của ông Vũ (diện tích sau khi xây dựng đo được là 8,43 x 34,90 m = 294.21 m2 đất). Đến tháng 12/2020, việc xây dựng hoàn thành, nhưng sau đó bà Tương đã chủ động tháo dỡ.
Đến tháng 3/2021, Công ty Hoa Sen tự ý: Phá dỡ hàng rào bảo vệ khuôn viên đất thửa số 200 của bà Tương; dùng xe máy ủi, xe đào, múc toàn bộ tài sản trên đất là gần 80 cây măng cụt từ 10 – 20 năm tuổi và nhiều cây sầu riêng, chôm chôm, mít đã trồng lâu năm; lập hàng rào lưới B40, chắn ngang đất thửa đất số 200 của bà Tương; cho xe đào bới, san lấp làm biến dạng hoàn toàn hiện trạng của khoảng 5.000 m2 đất, để thực hiện Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Đại diện của bà Tương khẳng định: Việc làm trên đây của Công ty Hoa Sen rõ ràng trái nội dung thỏa thuận với bà Tương.
Phần màu xanh là khoảng 5.000m2 đất có chủ quyền hợp pháp của bà Nguyễn Thị Tương, đang bị Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen xâm chiếm và xây dựng công trình trái phép.
Nhiều dấu hiệu làm trái
Đại diện bà Tương cho rằng, Công ty Hoa Sen làm trái Luật Đất đai. Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất “bằng miệng” giữa bà Tương và Công ty Hoa Sen, trái quy định tại Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013: "3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Công ty Hoa Sen tự ý sử dụng quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Tương, mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Bên cạnh đó, Công ty Hoa Sen có hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Tương.
Công ty Hoa Sen xây dựng công trình không phép trên đất của bà Tương. Trong khi Khoản 2, Điều 10 Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, quy định: Một trong những giấy tờ phải có trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng dự án là “giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Thực tế, thửa đất số 200, thuộc chủ quyền sử dụng hợp pháp của bà Tương, Công ty Hoa Sen không thể có Giấy phép xây dựng trên thửa đất này.
Ngoài ra, Công ty Hoa Sen còn xâm phạm quyền tài sản, khi có những hành vi: Phá dỡ hàng rào bảo vệ thửa đất số 200; dùng xe máy ủi, xe đào, múc toàn bộ tài sản trên đất này là gần 80 cây măng cụt từ 10 – 20 năm tuổi và nhiều cây sầu riêng, chôm chôm, mít trồng lâu năm; lập hàng rào lưới B40 và cho xe đào bới, san lấp làm biến dạng khoảng 5.000 m2 đất của bà Tương. Những hành vi này thể hiện làm trái Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.
Một góc thuộc phần đất của bà Nguyễn Thị Tương, đang bị Công ty Hoa Sen xâm chiếm, |
Cần xử lí nghiêm minh
Ông Nông Minh Đức, đại diện theo ủy quyền của bà Tương cho biết: Ngày 20/3/2021, khi Công ty Hoa Sen đang xâm chiếm, san ủi trái phép trên thửa đất số 200, bà Tương cho người ngăn cản, nhưng đến nay Công ty Hoa Sen vẫn tiếp tục đổ đất, san ủi và thi công xây dựng trái phép.
Trong các ngày 26/3/2021, ngày 29/3/2021 và ngày 8/4/2021 làm việc với UBND thị trấn Đạ M’ri, ông Đức yêu cầu UBND thị trấn Đạ M’ri buộc Công ty Hoa Sen ngừng các hành vi nêu trên; xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 208 Luật Đất đai năm 2013: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý, chính quyền UBND thị trấn Đạ M’ri vẫn không có biện pháp để xử lí dứt điểm vi phạm của Công ty Hoa Sen, là thể hiện dấu hiệu “tiếp tay” cho hành vi cố tình làm trái của Công ty Hoa Sen.
Ông Đức cho rằng: “Sau khi nhận đơn kêu cứu của bà Tương, UBND huyện Đạ Huoai có văn bản gửi UBND thị trấn Đạ Mri phối hợp các các phòng chức năng của huyện Đạ Huoai để kiểm tra thực địa, đo vẽ, xác minh diện tích xâm lấn và công trình xây dựng trái phép trên đất của bà Tương. Rõ ràng, chủ quyền về tài sản hợp pháp của bà Nguyễn Thị Tương đang bị Công ty Hoa Sen xâm hại! Đây là cơ sở để bà Tương yêu cầu có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với những hành vi thể hiện vi phạm pháp luật của Công ty Hoa Sen. Chỉ có như vậy, pháp luật mới được tôn trọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà Tương mới được bảo vệ”.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!