Chiến công lừng lẫy của “Huyền thoại Đồng Đen”
Đời sống 29/04/2024 09:00
Thời điểm 1965 - 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên khắp chiến trường miền Nam. Tận dụng thời tiết mùa khô, các cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy lan rộng đến những vùng căn cứ địa cách mạng. Trung ương nhận định, những cuộc hành quân xuất phát của địch đều tập trung tại một đầu mối là sân bay chiến lược quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là căn cứ lớn nhất của miền Nam, giữ một vị trí chiến lược quan trọng cho cả Đông Dương và toàn khu vực Đông Nam Á của Mỹ. Trước tình hình đó, Trung ương chỉ đạo “Hà Nội gọi - Sài Gòn trả lời” Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định quyết định đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là trận đánh lớn vào cơ quan đầu não của địch, nên các nhiệm vụ được cấp trên giao cho đơn vị Đội đặc công - Biệt động có kí hiệu là C100-F100, do Đồng Đen làm chỉ huy và Năm Vững (tức Bành Văn Trân) làm chính trị viên.
Đồng Đen tên thật là Nguyễn Văn Kịp, sinh năm 1941, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được anh hùng Phạm Văn Hai đứng ra tập họp đưa ông vào lực lượng võ trang tuyên truyền vận động chống bắt lính của ngụy tại huyện Bình Tân. Khi ông thoát li được tham gia Tiểu đoàn 6 thuộc Bộ Tư lệnh Miền, sau đó rút về đội Đặc công - Biệt động làm Đại đội trưởng, phụ trách cánh Tây.
Ảnh tư liệu |
Đồng đội thường gọi ông là Đồng Đen, bởi ông thường xuyên dầm mình trong nước phèn của vùng Đức Hoa - Đức Huệ để gây dựng cơ sở nên da ông đen bóng.
Với nhiều phương án tác chiến thần tốc, xông xáo tung hoành gây nhiều nỗi kinh hoàng cho địch. Năm 1965, với cấp bậc Thượng uý, ông chỉ huy Tiểu đoàn 12 Biệt động, sau đó được đổi thành Đội 12 Biệt động Sài Gòn. Trước nhiệm vụ quan trọng, Đồng Đen đã bỏ công gần cả năm trời để điều nghiên trận địa, trong điều kiện sân bay được canh phòng rất nghiêm ngặt, với 22 lớp rào kẽm gai bùng nhùng, mìn gạt dày đặc. Xe đi tuần tiễu chạy liên tục và cách 500m là có một lô cốt lính gác; hàng trăm ụ chiến đấu sẵn sàng nhả đạn khi có báo động, đèn pha chiếu sáng liên tục trên toàn khu và trên những trục đường giao thông. Để bảo vệ phòng thủ chặt chẽ căn cứ này, địch cho bố trí từ 3-5 ngàn quân, riêng vành đai ngoài thì có một tiểu đoàn an ninh phi trường tuần tiễu liên tục ngày đêm. Tuy vậy, tất cả đã bị làm vô hiệu bởi những “con rắn hổ” của Đội 2 do Đồng Đen chỉ huy. Bằng những nghiệp vụ tinh thông, họ ra vào sân bay nhiều lượt để quan sát đo đạc nghiên cứu tỉ mỉ, nắm chắc trận địa như lòng bàn tay. Song song với công tác điều nghiên trận địa, lực lượng nội tuyến của ta cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho Bộ Tư lệnh để phối hợp tác chiến.
Sau khi công tác điều nghiên trận địa xong, phương án đánh được đơn vị F100 thực hiện bằng 3 mũi tấn công do Đồng Đen trực tiếp chỉ huy. Khi các đơn vị đã tập kết về trong tư thế sẵn sàng thì thời khắc giờ G được phổ biến rộng rãi: Một số lượng lớn chiến sĩ biệt động bò vào cắt rào, gỡ mìn, ém quân chờ lệnh. Một lực lượng khác chuẩn bị đánh, mở cửa khi có hiệu lệnh tấn công và bảo đảm đường rút khi xong trận. Khi pháo hiệu nổ lên thì đồng loạt các mũi sẽ nổ súng tiến công, đánh mạnh vào sân bay để tiêu diệt lính và phá hủy máy bay các loại. Riêng Đồng Đen phụ trách gần 60 chiến sĩ biệt động của đội 2, trước khi xuất trận, ai cũng xin được làm lễ truy điệu và sẵn sàng hi sinh đến viên đạn cuối cùng, nên đã dồn hết lực lượng thành mũi nhọn xung kích trên trận địa, với tinh thần quyết tâm chiến thắng.
Khoảng 9 giờ 30 tối, khi các mũi tiến công đã áp sát sân bay, từng chiến sĩ tiến vào theo chiến thuật đến từng vị trí triển khai đội hình chờ pháo lệnh. Nhưng bất ngờ bị xe tuần tiễu địch phát hiện, không chờ đến giờ G được, Đồng Đen cho nổ trái B40 trực diện vào chiếc xe và ngay lập tức cả sân bay bị rung lên, gây bất ngờ và bàng hoàng cho cả một vùng rộng lớn. Lúc ấy là 12 giờ đêm, cả sân bay sáng rực vì lửa đạn, các chiến sĩ biệt động lao trên đường băng bắn vào sở chỉ huy, ụ chứa máy bay, nhà ở của tổ lái... Dưới sự điều động của chỉ huy Đồng Đen, các chiến sĩ tung hoành trên trận địa sử dụng đủ loại vũ khí, kể cả súng lấy được của địch để tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch trong sân bay như kho bom phát nổ, kho xăng bốc cháy; cả sân bay náo loạn lửa đạn rực trời, làm cho việc đối phó của Mỹ - ngụy không thể nào trở tay kịp, chỉ biết vừa chạy vừa la: “Không biết Việt Cộng ở đâu mà nhiều thế”. Sự đối phó lúng túng của chúng đã làm cho các chiến sĩ biệt động hăng hái hơn, nâng sức chiến đấu lên đến cao điểm và giành chiến thắng.
Say chiến thắng, tung hoành khắp sân bay làm cho kho tàng của địch chìm trong biển lửa, chỉ huy Đồng Đen cho lệnh rút thì cửa thoát hiểm quân ta bị bịt kín bằng cả trăm chiếc xe cơ giới và hàng nghìn quân địch tập trung bắn vào để chặn đường rút. Nhưng các chiến sĩ vẫn lăn xả, trườn mình qua kẽm gai, vừa đánh vừa rút ra nhiều hướng, băng mình trong đêm tối về căn cứ an toàn, để lại phía sau cả một bầu trời rực sáng lửa đạn.
Cuộc chiến nở hoa trong lòng địch đã làm chấn động cả nước Mỹ. Cũng là đáp lại lời gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ: “Hà Nội gọi - Sài Gòn trả lời”. Trong chiến công đó, vinh quang là của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đặc biệt là đội 2 cánh Tây Nam, có hai người anh hùng là Đồng Đen và Bành Văn Trân. Trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 4/12/1966, chính là một trong những chiến công lẫy lừng nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Ngày 26/9/1967, Đồng Đen xuống xã Vĩnh Lộc để nắm tình hình, giặc phát hiện liền bố trí bao vây. Trước tình huống này, anh tạm thời lánh mặt cùng 2 đồng đội xuống hầm bí mật trú ẩn. Nhưng vì có kẻ phản bội chỉ điểm, địch liền ném lựu đạn xuống hầm. Hai đồng chí cùng đi đã hi sinh, còn Đồng Đen bị thương ở tay khá nặng. Nhưng với bản lĩnh sẵn có, anh đã nhảy lên khỏi miệng hầm, dũng cảm chiến đấu bằng lựu đạn và súng ngắn, tiêu diệt tại chỗ 11 tên, trong đó có 1 tên là Tiểu đoàn trưởng. Song do cuộc chiến đấu không cân sức, đồng chí đã anh dũng hi sinhn