Chỉ còn là cái tên trong hoài niệm...
Nghiên cứu - Trao đổi 29/09/2020 11:40
Tại Khu di tích lịch sử Khuôn Tát ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi Bác Hồ ở và làm việc, thấy công tác bảo quản, phục chế tôn tạo di tích được thực hiện khá chu đáo. Trên lối vào chỉ có một tấm bia nhỏ giản dị. Lán ở và làm việc của Bác Hồ có vách đan bằng nứa, mái lợp lá cọ, cột xà bằng bê tông giả gỗ, đắp tỉ mỉ từng mấu mắt và vỏ cây xù xì. Căn hầm trú ẩn lát nóc bằng các khúc cây bê tông đắp như cây thật. Đường đi đổ bê tông sỏi với các bậc lên xuống kè bằng tre… Các công trình được phục chế gần như nguyên bản, kết hợp hài hòa vật liệu xi măng, gỗ, tre, nứa, lá… dưới bóng những cây phách cổ thụ tạo cảm giác y như thật, khiến khách tham quan rất xúc động.
Lán ở và làm việc của Bác Hồ ở Khu di tích Khuôn Tát |
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những công trình được phục chế một cách tùy tiện, tạo sự phản cảm cho khách đến tham quan. Điển hình là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Lán ở của 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo |
Ở đây hầu như các hạng mục công trình từ lán ở, giường nằm, bếp ăn, đường đi của 34 chiến sĩ đều được bê tông hóa, xây tường gạch, mái lợp tôn lạnh, sân lát gạch đỏ. Bậc đi ở lối vào kè xi măng giả tre, đường lên đỉnh Slam Cao xây nhiều đoạn thẳng tắp, chòi quan sát trên đỉnh xây thành nhà bia với hàng rào bê tông vây quanh. Những chiếc cột, vách, sạp nằm của Đội làm bằng bê tông giả gỗ, nứa sơn vẽ sặc sỡ… So sánh với Khu di tích Khuôn Tát thì việc phục chế tôn tạo ở đây trái ngược hoàn toàn. Nếu như ở Khuôn Tát, người xem thật sự xúc động như được trở lại với khung cảnh khu căn cứ địa thời kháng chiến chống Pháp được phục chế gần như nguyên gốc, thì ở đây là cảm giác ngán ngẩm khi các công trình được làm mới hoàn toàn theo kiểu cách hiện đại, không đúng với thực tế lịch sử. Đó là chưa kể đến không gian Khu di tích bị phá vỡ bởi những công trình nhà bia, đền thờ, phù điêu, nhà đón tiếp khách và các công trình phụ trợ được dựng lên khá đồ sộ ngay từ lối vào và trong khu rừng.
Vách nhà, sạp nằm của 34 chiến sĩ làm bằng bê tông giả tre nứa |
Tình trạng này cũng có thể do thời gian Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tập trung ở Rừng Trần Hưng Đạo không dài, các công trình phục vụ sinh hoạt, công tác đều dã chiến, tạm thời, không để lại dấu tích cụ thể nên việc phục chế, tôn tạo khó khăn. Song không vì thế mà thực hiện công tác phục chế một cách tùy tiện. Ở đây hoàn toàn có thể tách ra làm 2 khu vực: Khu bên ngoài làm nơi khánh tiết, giới thiệu tổng thể khu di tích, tiến hành các hoạt động tưởng niệm, tri ân, đón khách tham quan với các công trình xây dựng hoành tráng. Khu bên trong làm nơi lưu giữ kí ức lịch sử với các công trình phục chế nguyên gốc nơi ăn ở, làm việc của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân như cách làm ở Khu di tích Khuôn Tát. Các lán ở, bếp ăn, chòi quan sát, đồ dùng sinh hoạt của Đội nên nghiên cứu các tư liệu lịch sử, tìm hiểu các kiểu nhà, lán, dụng cụ và tập quán của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng để phục chế. Bởi thực tế Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có tới 30/34 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, trong đó có 28 người dân tộc Tày Nùng ở Cao Bằng.
Đường đi trong Khu di tích Khuôn Tát kè bậc bằn tre thật |
Làm được như vậy, chắc chắn khách tham quan sẽ thực sự xúc động khi thấy lại những hình ảnh, hiện vật đơn sơ, nếp sống gian khổ thuở ban đầu của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Cái khó ở đây không hẳn là do kinh phí, bởi được biết nhân dịp kỉ niệm các năm tròn Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Bộ Quốc phòng thường hỗ trợ không ít kinh phí để tôn tạo Khu di tích này. Riêng năm 2019, nhân kỉ niệm 75 năm ngày 22/12, Bộ Quốc phòng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng tôn tạo, làm mới nhiều hạng mục công trình tại Khu di tích.
Đường lên đỉnh Slam Cao , Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo, xây xi măng thẳng tắp |
Từ thực tế tham quan 2 Khu di tích kể trên, có thể rút ra điều quan trọng là cần có tư duy đúng đắn khi tiến hành tôn tạo, phục chế các khu di tích. Ở đây xin nhấn mạnh là phải tôn tạo, phục chế chứ không phải là “làm mới” các hạng mục công trình. Công việc này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định về tính lịch sử, khoa học, văn hóa, giáo dục… chứ không thể muốn làm gì thì làm. Theo Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 6/2/2003 thì một nguyên tắc quan trọng là phải “Bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích”. Nếu tôn tạo, phục chế một cách tùy tiện thì di tích không còn ý nghĩa là một bảo tàng sống động, chứng nhân lịch sử, mà chỉ là một cái tên trong hoài niệm mà thôi.