Cần tăng mạnh thuế thuốc lá để giảm nguy cơ bệnh tật
Nghiên cứu - Trao đổi 16/02/2023 10:06
Ảnh minh hoạ |
Kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng thuế là biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất, đóng góp tới 50-60% trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc. Theo tính toán của các chuyên gia WHO, WB để giúp đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, cụ thể: Nếu năm 2015, tăng từ 65% lên 105%; từ năm 2018, tăng từ 105% lên 145%. WB ước tính, nếu tăng thuế để giá bán lẻ thuốc lá tăng 10% thì tiêu dùng thuốc lá giảm 5%. Ở thanh thiếu niên và người nghèo, mức giảm sẽ cao hơn do đây là hai nhóm người nhạy cảm hơn với giá thuốc lá. Với mức tăng thêm 5 điểm phần trăm vào năm 2016 và thêm 5 điểm phần trăm vào năm 2019 ước tính chỉ đạt mức tăng giá bán lẻ trung bình khoảng 1%/năm, trong khi đó, GDP bình quân đầu người ước tính sẽ tăng trung bình ở mức 5%. Như vậy, mức tăng giá vẫn chưa theo kịp mức tăng thu nhập, có nghĩa là sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn tiếp tục rẻ đi so với thu nhập, sẽ không giúp cho Việt Nam kìm hãm đà tăng tiêu dùng thuốc lá và đạt mục tiêu quốc gia về giảm tiêu dùng thuốc lá.
Bộ Y tế và các chuyên gia khuyến cáo, để có thể giữ cho sức mua thuốc lá không tiếp tục gia tăng thì thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng thêm. Thảo luận ở tổ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần phải tăng mạnh hơn nữa vì mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thuế thuốc lá hiện chỉ 41% là rất thấp so với khu vực. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam lọt tốp 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Bà Trang kiến nghị: “Vì vậy cần phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cùng với đó là kiểm soát tốt buôn lậu, vấn đề khiến ngân sách thất thoát khoảng 8.000 tỉ đồng mỗi năm”. Chuyên gia Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề xuất cần tăng thuế thuốc lá lên 200% nhằm bảo vệ sức khỏe, giảm tiêu dùng. Theo ông, việc này không nhằm tăng thu ngân sách.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, với một ngành công nghiệp độc hại như sản xuất thuốc lá, nếu như Nhà nước không có những biện pháp đủ mạnh để kiểm soát và giảm tiêu dùng thì những hệ lụy do thuốc lá mang lại sẽ còn lớn hơn nữa đối với toàn xã hội. Vì vậy, việc tăng cường thuế thuốc là cần phải làm sớm, càng sớm càng hiệu quả sẽ giảm bệnh tật do thuốc lá gây ra.