Cần làm những gì để được cấp hộ chiếu vaccine Covid-19?
Tin tức 04/04/2022 11:15
Cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4
Thông tin tại hội nghị, đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng cho việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 cho người dân.
Các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 08/4 để Bộ Y tế tiến hành cấp hộ chiếu vaccine cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/04.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 2/4 Bệnh viện E bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine cho người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và có thông tin trên hệ thống đầy đủ.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 để cấp hộ chiếu vaccine cho 2.013 đối tượng với gần 6.000 mũi tiêm để cấp hộ chiếu vaccine. Tại TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Gia An cũng đã ký số cho 425 đối tượng.
Trước băn khoăn về việc người dân đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng vẫn chưa có thông tin trên hệ thống hoặc thông tin số mũi tiêm chưa được cập nhật đủ, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần gửi phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine.
Tính đến ngày 17/3, có 17 quốc gia chấp nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam gồm: Mỹ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Úc, Belarus, Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia và Hàn Quốc.
Bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine, người dân cần những thủ tục gì? Ảnh minh hoạ: SKĐS |
Thủ tục cấp hộ chiếu vaccine
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế cho biết, quy trình cấp hộ chiếu vaccine rất đơn giản, người dân không phải làm gì, khi đi tiêm chủng chỉ cần khai báo thông tin chính xác.
Trách nhiệm của các cơ sở tiêm chủng là phải rà soát các thông tin, kết nối với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân.
Toàn bộ quy trình cấp hộ chiếu vaccine do các cơ sở tiêm chủng thực hiện và Cục Y tế Dự phòng là đầu mối ký số. Người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ có QR code và sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC COVID cũng như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế để phục vụ cho việc kiểm soát khi đi nước ngoài.
Tiêm vaccine cho người dân. |
Liên quan đến quy trình cấp hộ chiếu vaccine, tại Công văn số 5772/QĐ-BYT, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước, gồm:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Hộ chiếu vaccine sẽ hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, liều số, vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận.
Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như CMND, CCCD hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.
Các thông tin sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo. Hết thời hạn trên, hệ thống sẽ tự động tạo QR mới.
Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vaccine, loại vaccine và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu "COVID-19 vaccine tracker and landscape" của WHO được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và "Value Sets for EU Digital COVID Certificates" do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.
Việt Nam đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các nước, Người ... |
Việt Nam tích cực thúc đẩy việc công nhận “hộ chiếu vaccine” Đến nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 10 đối tác công nhận gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, ... |