Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cao tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 08/05/2024 10:08
Khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Mặc dù quy định trên của Luật Đất đai đã xác định rõ khái niệm về hộ gia đình sử dụng đất, nhưng trên thực tế việc cơ quan Nhà nước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã không làm rõ những nội hàm của hộ gia đình mà vẫn cấp GCNQSDĐ cho hộ. Vì vậy dẫn đến tình trạng tranh chấp có liên quan đến thành viên hộ gia đình, nhất là tình trạng tranh chấp về quyền thừa kế mảnh đất. Trường hợp của bà Hoàng Thị Minh, 77 tuổi, ở thôn Tiên Hương, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành là một ví dụ điển hình.
Từ mối quan hệ gia đình...
Bà Hoàng Thị Minh cho biết: Gia đình bà đang sinh sống trên mảnh đất rộng 3.899m2 thuộc thôn Tiên Hương, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành. Thửa đất của hộ gia đình bà được Nhà nước giao đất năm 2004, người đứng tên chủ hộ mảnh đất là ông Lê Công Lĩnh, chồng bà Minh.
Về nguồn gốc mảnh đất, bà Minh cho biết: Đây là mảnh đất do cụ Hà Thị Kiển, mẹ chồng bà Minh, từ năm 1963 đã đưa các con lên khai hoang mà có được. Cùng sinh sống với cụ Kiển lúc bấy giờ có chồng bà là ông Lê Công Lĩnh và vợ cả của ông Lĩnh là bà Lường Thị Quần. Ông Lĩnh và bà Quần có 4 người con, trong đó có 1 trai và 3 gái.
Bà Hoàng Thị Minh, 77 tuổi chỉ mảnh đất do cụ Lê Công Lĩnh đứng tên GCNQSDĐ. |
Đến năm 1972, người con trai duy nhất của chồng bà lúc bấy giờ đi bộ đội và hi sinh. Để có người “nối dõi”, năm 1976, bà Minh được anh em họ hàng của chồng hỏi cưới và đưa về chung sống cùng bà Quần. Bà Minh và ông Lĩnh có 5 người con (3 trai, 2 gái).
Do mâu thuẫn gia đình không thể sống chung nên năm 1978, ông Lĩnh đã đưa mẹ con bà Minh ra sống tại thôn Phù Bản, xã Thành Tân để tiện chăm sóc và nuôi dạy các con. Cùng thời gian này, hai người con gái của bà Quần lập gia đình và ra ở riêng.Trên ngôi nhà cũ chỉ còn bà Quần và một người con bị bệnh nặng sinh sống.
Cho đến năm 1987, bà Quần và con gái đã dọn đi sinh sống tại nơi khác. Thấy mảnh đất của nhà bị bỏ hoang, năm 1988, ông Lĩnh đã cùng bà Minh và các con dọn về đây sinh sống. Bà Minh cho biết: “Trong quá trình sinh sống, vợ chồng tôi đã bỏ tiền xây dựng nhà cửa, cải tạo mảnh đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước từ năm 1988 cho tới nay. Năm 2004, UBND huyện Thạch Thành đã cấp GCNQSDĐ cho gia đình chúng tôi với người đứng tên chủ hộ là chồng tôi, ông Lê Công Lĩnh. Thời điểm bấy giờ trong hộ khẩu của gia đình chỉ có vợ, chồng và các con cháu của tôi. Đến năm 2010, chồng tôi qua đời mà không để lại di chúc. Hai năm sau, bà Quần đang sinh sống ở nơi khác cũng đã mất. Cuộc sống của bà Minh và các con bà vẫn diễn ra bình thường. Cho đến khi con gái của bà Quần đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Thạch Thành đòi phân chia di sản thừa kế trên mảnh đất bà và gia đình bà đang sinh sống ổn định”.
...Đến Bản án có nhiều tình tiết cần được xem xét
Tại phiên tòa xét xử ngày 22/2/2024, TAND huyện Thạch Thành tuyên, chia mảnh đất gia đình bà Minh đang sinh sống làm 2 phần theo tỉ lệ: Ông Lê Công Lĩnh 50%, bà Lường Thị Quần 50% mà không có phần của bà Hoàng Thị Minh. Phần đất của bà Quần sẽ chia đều cho các con của bà Quần, còn phần đất của ông Lĩnh được chia đều cho các con của bà Quần và các con của bà Minh, dĩ nhiên cũng không có phần của bà Minh được hưởng trong phần chia di sản thừa kế.
Kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thành. |
Bà Minh bức xúc: “Mâu thuẫn ở đây là bà Quần và chồng tôi đã không liên quan gì tới nhau nữa từ những năm 1978. Sau khi họ bỏ nhau thì tôi là người vợ hợp pháp có hộ khẩu đứng tên chung vợ chồng và các con cùng sống trên mảnh đất này rồi cùng nhau đi làm GCNQSDĐ hộ gia đình. Thời điểm mà ông Lĩnh và bà Quần chia tay đã phân chia xong quyền lợi. Sau đó đến lượt tôi và ông Lĩnh cùng nhau chung sống kết hôn thì đều từ trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986. Chúng tôi cùng đăng kí làm sổ đỏ từ năm 2004 là hộ gia đình. Gia đình chúng tôi không liên quan gì đến bà Quần, nếu là phân chia tài sản thì tôi mới là người được pháp luật công nhận. Thời điểm cấp sổ đỏ thì tôi và chồng là người ở trên đất đó, gìn giữ cải tạo, là vợ hợp pháp của ông Lĩnh. Và từ đó cho đến nay, gia đình tôi vẫn sinh sống trên mảnh đất này ổn định bao gồm tôi và các con của tôi với chồng. Nên tôi phải là người được hưởng quyền lợi mới đúng quy định”.
Bà Minh cho biết thêm: “Việc sinh sống và nguồn gốc mảnh đất của gia đình tôi đều có các hộ dân và chính quyền địa phương xác nhận và cũng khẳng định bà Quần và chồng tôi bỏ nhau coi như là đã li hôn xong từ trước năm 1978. Tôi với ông Lĩnh sống với nhau từ năm 1976 cho đến khi ông Lĩnh mất (năm 2010) và có với nhau 5 người con, lẽ nào không phải vợ chồng? Gia đình tôi vẫn nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và không có bất kì tranh chấp thừa kế nào cho đến khi bị bà Lê Thị Thu, con gái của bà Quần và ông Lĩnh khởi kiện đòi chia quyền thừa kế mảnh đất trên”.
Bà Minh ngậm ngùi nói: “Tòa án không đưa tôi vào danh sách hưởng thừa kế là không phù hợp với quy định của pháp luật. Các con bà Quần được hưởng quá nhiều diện tích đất so với các con tôi là không đúng. Tôi mới là người được pháp luật công nhận vì có hộ khẩu đầy đủ cùng chồng con và là người được hưởng 1/2 tài sản đó. Giờ Tòa không cho tôi được hưởng, là qua bất công và thiệt thòi đối với tôi”.
Được biết, liên quan đến quyết định của TAND huyện Thạch Thành, ngày 8/3/2024, Viện KSND huyện Thạch Thành đã có quyết định kháng nghị một phần của Bản án gửi các cơ quan có liên quan để xem xét lại vụ án.