Cải cách chính sách tiền lương lần thứ 5
Nghiên cứu - Trao đổi 26/10/2023 11:42
Trong 8 thập kỉ qua, đất nước ta có 4 cuộc cải cách lớn: Cải cách Giáo dục, cải cách Tiền lương, cải cách Hành chính và cải cách Tư pháp. Cuộc cải cách nào cũng tiến hành trong nhiều năm, nhiều thời kì và đem lại thành tựu, thành công nhất định nhưng cũng còn không ít tồn tại, bất cập và chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Cải cách tiền lương đã trải qua 4 thời kì: Giai đoạn 1960-1984 tiền lương xét dựa trên 3 mức (lương tối thiểu 27,3 đồng/tháng); giai đoạn 1985-1992 (nằm trong cuộc cách mạng giá-lương-tiền) quy định bảng lương mức tối thiểu 220 đồng/tháng; giai đoạn 1993-2002 mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng. Giai đoạn 2003-2020 mức lương tối thiểu năm 2004 là 310.000 đồng/tháng. Từ năm 2013, lương tối thiểu được đổi thành mức lương cơ sở (tách lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp) được điều chỉnh tăng từ 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8 %).
Trên thực tế, dù đã nhiều lần thay đổi, tăng dần mức lương nhưng tiền lương hiện nay chưa thể hiện đúng bản chất, giá trị sức lao động và chưa tạo được động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công. Mặt khác, việc thu nhập từ tiền lương không đủ sống, không đáp ứng được tương quan quan hệ lao động - tiền lương với chi phí sinh hoạt.
Hiện nay, cả nước có khoảng 2,6 triệu cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách (không kể trên dưới 10 triệu đối tượng hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp hằng tháng…). So với nhiều nước, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức của nước ta có số lượng quá đông do bộ máy hành chính cồng kềnh, đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh...
Theo nhận định của Trung ương, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương cơ sở với hệ số không thể hiện rõ giá trị của tiền lương. Còn quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lí, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tình hình đó có nguyên nhân khách quan từ nội lực nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng (GDP), năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, tích luỹ còn ít, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế… Song, nguyên nhân chủ yếu do thể chế hoá các chủ trương, chính sách tiền lương còn chậm, chưa có sự nghiên cứu căn bản và toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước chưa cao. Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng hương, phụ cấp từ ngân sách quá lớn. Việc xác định vị trí làm việc còn chậm, chưa thực sự là cơ sở để xác định biên chế, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trả lương. Việc xây dựng và triển khai một số chính sách còn chưa tạo được sự đồng thuận cao…
Cải cách lần này phải xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình tình thực tế đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với khu vực công, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Ban hành chế độ tiền lương mới gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Tiền lương thấp nhất phải bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Hằng năm nâng mức lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Tiến tới tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất khu vực doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp, bảo đảm mức sống cho người lao động và gia đình họ. Thực hiện quản lí lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cải cách lần này thực hiện bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương nhưng phải xác định thật chuẩn vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm mức lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp 30%, tiền thưởng 10% trong tổng quỹ lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn. Xây dựng một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (do bầu cử hoặc bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc giữ chức vụ nào hưởng mức lương chức vụ đó. Nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất, giữ chức vụ tương đương nhau thì hưởng mức lương như nhau… Quan trọng là xây dựng một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp, áp dụng chung đối với công chức, viên chức không làm lãnh đạo, mỗi ngạch có nhiều bậc lương. Đối với lực lượng vũ trang sẽ có 3 bảng lương quy định riêng.
Thực hiện cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ là bước tạo đột phá mới, tiền lương thực sự là động lực, đánh giá đúng sức lao động, từ đó nâng cao hiệu quả, năng suất lao động khu vực công nói riêng, xã hội nói chung. Đồng thời, góp phần phát huy năng lực của người tài, giữ chân những người có năng lực, nhất là trong ngành Giáo dục và Y tế. Qua đó, sàng lọc, tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm…