Bài học qua các chuyện về “vi hành”
Nghiên cứu - Trao đổi 05/07/2024 11:13
Một số cán bộ ta bây giờ hơi ngại “vi hành”. Theo tôi có thể vì 2 lí do: Bận công việc và đã có báo cáo định kì từ cấp dưới, hoặc đồng cấp.
Báo cáo là một kênh thông tin rất quan trọng, nhưng chưa đủ, thiếu tính kịp thời. Có khi người báo cáo chưa nắm hết tình hình, hoặc thiếu trung thực. Bởi thế mới có trường hợp bọn “lâm tặc” chặt phá hàng ha rừng ngay cạnh trụ sở công quyền, mà cán bộ xã, huyện ở đó đều không biết (!?).
Hiện ta đang dùng khá phổ biến khái niệm “Buông lỏng quản lí”. Theo tôi, nên điều chỉnh một chút: Một số cán bộ “không quản lí”, hay “không biết quản lí” khi thực thi nhiệm vụ. Nếu biết quản lí, thì việc còn lại chỉ là sự đồng lõa với kẻ xấu, vì lợi ích nhóm. Còn nhớ thời dịch Covid-19 hoành hành, lãnh đạo cấp trên hỏi một cán bộ cấp dưới về cách đối phó và nêu các phương án khắc phục hậu quả. Vị này trả lời rất ngu ngơ, chẳng đâu vào đâu cả. Đó thực sự là những cán bộ ngồi “nhầm lớp”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần phê phán: Một số cán bộ ta không thuộc bài. Vì thế, dân mới nói, đó là loại “Cán bộ ngồiphòng lạnh”!.
Lịch sử ta vẫn nêu gương vị Hoàng đế Lê Thánh Tông (1442 - 1497), trị vì đất nước từ (1460 - 1497), 37 năm, đưa xã hội phong kiến Việt Nam phát triển đến cực thịnh. Bộ Luật Hồng Đức đến nay nhiều điều vẫn còn nguyên giá trị. Nhà Vua rất cần mẫn học hành, và hết lòng chăm lo chính sự: “Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Vua vẫn thường xuyên “vi hành” để nắm tình hình muôn dân.
Một hôm, vào tối Giao thừa, Ngài đến nhà Giám, thấy một học sinh đang đọc sách, bèn hỏi: Sao anh không về ăn Tết? Cống sĩ đáp: Ở xa không về được. Hỏi tiếp: Không làm gì để đón Giao thừa? Trả lời: Nhà nghèo, quen sống đạm bạc. Người hỏi quay gót. Lát sau người hầu mang đến cho cống sĩ 2 bánh chưng xinh. Giao thừa, cống sĩ bóc bánh ăn, thì một gói là bánh, còn một gói là bạc nén. Lần khác, thấy một cống sĩ chừng 50 tuổi vừa đọc sách vừa húp cháo loãng. Nhà Vua lại gần hỏi: Cống sĩ húp gì mà ngon thế? Đáp: Cháo loãng, vì hết muối. Vua sai người hầu cho gói muối, kì thực là nén bạc. Lần thứ ba, Vua đóng giả người ăn mày đến nhà Quận Gió (ông này chuyên đào ngạch ăn trộm của nhà giàu chia cho dân nghèo). Sau khi trình bày, Quận Gió đồng ý. Ông ăn xin chỉ cho mấy nhà giàu. Quận Gió lắc đầu: Họ giàu vì do cần cù, chăm chỉ, siêng năng, tằn tiện… mà có. Cuối cùng, Quận Gió quyết định đào nhà viên quan coi kho bạc nhà nước. Quả nhiên, lấy về được mấy thỏi bạc của ngân khố. Vua ngỡ người ra, vì mình chọn nhầm người. Cầm nén bạc soi dưới ánh đèn dầu thấy đề 4 chữ “Quốc khố chi bảo”. Vua nghĩ, đúng rồi, đây chính là bạc trong kho của triều đình. Sáng mùng Một Tết, Vua cho thiết đãi triều. Khi tất cả các quan văn võ đã tề tựu đông đủ, nhà Vua mới đem câu chuyện vi hành đêm 30 Tết kể cho mọi người nghe. Nén bạc được chuyền tay cho các quan xem tận mắt. Viên quan coi kho bạc cứng họng, trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị tước bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu và lưu đày đi ải xa. Thì ra “vi hành” được việc thật.
Một trong những gương tiêu biểu cho việc học tập và làm theo các tiền nhân là ông Trương Đình Tuyển, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ tháng 2/2000 - 8/2002. Người ta lưu truyền những “chuyện lạ” về ông Tuyển. Khi về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, lãng đạo tỉnh đã có kế hoạch phân đất, làm nhà cho Bí thư, nhưng ông kiên quyết từ chối, với lí do: “Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi”. Và chỉ yêu cầu, bố trí cho một căn phòng vừa ở, vừa làm việc trong cơ quan. Mùa Hè ở Nghệ An nóng nực, Văn phòng mua cho ông chiếc tủ lạnh, nhưng ông không nhận, mà chỉ yêu cầu sắm cho 2 cái xoang nhỏ và một bình ga. Cuối tháng thanh toán vào tiền lương của mình, không dùng công quỹ. Sáng dậy, cắm phích, cơm chín, cho mấy con cá khô vào thành bữa sáng; trưa, tối về cắm lại cho nóng thành bữa trưa, bữa tối. Ông vẫn dắt xe đạp ra chợ Quán Lau (TP Vinh) mua rau, thực phẩm về tự nấu ăn. Đi xem đá bóng ở sân vận động TP Vinh bằng xe đạp. Đến cổng Thành gửi xe, lấy phiếu. Ra về, trả phiếu, gửi tiền, dắt xe đi. Ngày nghỉ, nếu không bận gì, ông nhảy tàu ra Hà Nội với gia đình.
Những năm 2000 - 2002, ở Nghệ An có 2 xã có vấn đề, là điểm nóng (xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc). Hưng Long thì cuộc chiến chống ma túy còn cam go; còn Nghi Công Nam thì xảy ra vụ tranh chấp đất đai, dân bỏ ruộng. Ông Tuyển nghe tin và quyết định “vi hành” về 2 nơi đó nắm tình hình. Ông mặc bộ quần áo bình thường như nông dân, chân đi dép tông Lào, đội mũ rộng vành (người Nghi Lộc gọi là mũ chăn vịt), bắt xe ôm về Nghi Công Nam. Đến ngã ba đường, xuống xe, gặp một nam trung niên mặt đỏ gay, chân nam đạp chân chiêu hơi thở sặc mùi men, tay cầm nửa chai rượu, lắc đi, lắc lại, chốc chốc lai giơ lên nhìn trời qua tăm rượu. Ông Tuyển hỏi: Anh cho tôi hỏi nhờ, ở đây có ai là Hội đồng viên khóa này? Nam trung niên trả lời: Mình đây, Hội đồng viên đây, nhưng là “Hội đồng treo”. Ông Tuyển hỏi lại: Anh nói gì tôi không hiểu? Nam trung niên giải thích: Là thế này, trong cuộc tranh cử Hội đồng vừa rồi, mình có tốn vài can rượu và mấy bịch mì tôm. Trúng rồi. Nhưng vì chưa có ghế, nên cứ “treo” rứa. Dừ (bây giờ) thỉnh thoảng đi uống rượu nhởi (chơi) thôi. Ung (ông) có mầm (làm) chén không?”. Đương nhiên là ông Tuyển từ chối. Hội đồng viên nói tiếp: À mà chuyện đại sự, ung là dân mua chanh hay mua lợn, thì quan tâm chuyện chính trị làm gì cho mệt (ông ta tưởng ông Tuyển là dân buôn chanh, hay buôn lợn). Bí thư nghĩ, người đại diện cho ý chí của dân mà tranh cử thì như thế, lại chưa có ghế, đang bị “treo”, phong trào chưa tốt là không có gì lạ. Khái niệm “Hội đồng treo” trong từ điển tiếng Việt trước đây chưa có, chắc ra đời từ đây. Biết không thu được gì, ông Tuyển quay về, thu thập thông tin bằng các kênh khác.
Bí thư Tuyển tiếp tục bắt xe ôm về Hưng Long. Đến đầu làng, dừng lại, hỏi nhà Bí thư Đảng ủy xã. Đến trước cửa thấy trong nhà có đông người (nhà Bí thư đang có giỗ). Một anh trong đám đông chạy ra: “Chào Bí thư!”. Anh này ở Văn phòng Tỉnh ủy nên biết ông Tuyển. Chuyến “vi hành” bại lộ nên ông Tuyển đành quay về.
Có người nói, ông Tuyển “gàn” theo kiểu đồ Nghệ. Người khác nói, đây là hình ảnh ông Kim Ngọc giữa đời thường, chứ không cần qua phim ảnh. Xin bạn đọc cho ý kiến thêm.