Phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng cao và giá cả ổn định
Kinh tế 23/04/2020 08:59
Thủ tướng đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, đặc biệt là giá thịt lợn. Hiện giá bán thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá thành. Vậy liệu có chuyện làm giá hay không? Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này cần làm rõ và có biện pháp xử lí.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lúa Đông Xuân các vùng miền khá tốt, sẽ đạt kế hoạch 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm. Dự kiến cả năm sẽ đạt kế hoạch đề ra là 43,5 triệu tấn thóc. Đối với rau, ngoài nhu cầu tiêu thụ 14 triệu tấn/năm, sẽ có gần 4 triệu tấn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Về chăn nuôi lợn, tốc độ tái đàn chậm là một nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng. Dự kiến, năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tương đương năm 2018, quý II/2020 sẽ đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV gần 1,1 triệu tấn và đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn. Tổng cục Hải quan cho biết đến nay ta đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm phụ thuộc vào giá lợn hơi. Hiện nay, giá lợn hơi ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000 - 165.000 đồng/kg.
Nhận định của Tổng cục Thống kê, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn còn ở mức cao, chiếm từ 70 - 90%, hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi khoảng 23.000 - 28.000 đồng/kg. Do đó, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt lợn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, phải quản lí Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính, “nếu buông lỏng là một sai lầm”, đừng bao giờ nghĩ rằng theo kinh tế thị trường thì buông lỏng quản lí. “Nếu tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng”, nên phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng cao và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống Nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn về trên dưới 60.000 đồng/kg. Bình ổn giá gạo và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giảm giá điện, giá nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch Covid-19. Về xuất khẩu gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lí nghiêm sai phạm.
Về lộ trình tăng lương và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế (từ ngày 1/7), giáo dục (từ tháng 9), Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD&ĐT, Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kĩ lưỡng các tác động, ảnh hưởng để báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời, với tinh thần chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá.