Xin đừng phán “giời ơi, đất hỡi”… về luật (!)
Trong mắt người già 28/03/2020 14:27
Thoạt nghe cũng bùi tai, thấy hơi hơi có lí, nhưng ngẫm sâu một chút thì đâu cứ phạt nặng là dân sợ mà răm rắp chấp hành pháp luật. Cái chính không chỉ từ ý thức chấp hành của người dân mà còn phải nghiêm từ các cơ quan công quyền, từ những người thi hành công vụ.
Cách đây mấy ngày, xem ti vi thấy ông gì đó (quên mất tên và chức vụ) ở Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, phạt hành vi không mặc áo phao khi đi đò, đi phà qua sông ở mức 50.000-100.000 đồng là quá nhẹ, không đủ sức giáo dục, răn đe người vi phạm, nghe thế nào ấy nên lại phải viết đôi nhời này.
Thưa rằng, có thể với vị cán bộ trên và rất có thể với rất nhiều người khác, 50-100 nghìn đồng là quá bèo, quá nhỏ; họ sẵn sàng tặng, cho không cần phải suy nghĩ, tính toán, nhưng đối với nhiều người, nhất là những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa số tiền ấy lớn và rất quý. Bởi một ngày, thậm chí vài ngày lao động cật lực, họ cũng không kiếm được số tiền trên.
Cũng xin thưa với vị cán bộ trên, một người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, sau cả tháng mới thu hoạch được gánh rau, qua chợ bên kia sông bán được vài trăm nghìn đồng, sinh hoạt nhiều ngày của gia đình dựa vào số tiền ít ỏi đó, khi đi phà qua sông không mặc áo phao bị phạt năm mươi, hay trăm nghìn đồng, số tiền phạt ấy không phải là nhẹ (như lông hồng, lời vàng ngọc trên ti vi) mà quá nặng đối với họ.
Phạt nặng, tại sao dân vẫn vi phạm? Bởi pháp luật chưa đến được với dân, chưa ngấm vào dân. Quan trọng hơn các cơ quan chức năng buông lỏng quản lí, kiểm tra, xử lí tùy tiện, không nghiêm minh, triệt để, không quản lí giám sát thường xuyên, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật theo kiểu chiến dịch, phong trào, “phải đạo”(!).
Đề ra mức phạt nghiêm khắc để mọi người “sợ” mà tự giác chấp hành pháp luật chỉ là một yếu tố, thậm chí nó chỉ hợp với một thời điểm, một khu vực, lĩnh vực; còn với xã hội chung cũng như khoa học pháp lí là vấn đề cần phải xem xét, nhìn nhận, đánh giá một cách cẩn trọng, nghiêm túc. Xin đừng thao thao, tư duy nhất thời của những “đao phủ”, luật phải quy định mức phạt nặng, thật nặng, dân mới nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật (!?).
Để pháp luật được thực thi và mọi người chấp hành nghiêm minh, bên cạnh trình độ pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, vấn đề cực kì quan trọng là luật phải khoa học, chính xác, phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội, phải kết tinh được ý chí của Nhân dân; đồng thời các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực thi công vụ vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật.
Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đừng lấy pháp luật để hù dân, dọa dân, mà pháp luật phải là công cụ, vũ khí của Nhân dân, đồng hành cùng Nhân dân. Để Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, bởi chấp hành pháp luật không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của họ.
Hãy ra với cuộc sống, hãy cùng xương cùng thịt với Nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu với Nhân dân (mượn chữ của nhà thơ Xuân Diệu); đừng ngồi trong phòng lạnh mà phán “giời ơi đất hỡi” về… luật với pháp (!?).