Xúc động, chan hòa trong không khí tri ân các liệt sĩ
Nhịp sống văn hóa 18/07/2023 11:10
Phát biểu đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Thị Thiện trình bày một phần trong tác phẩm của bà, là cuốn sách nhan đề “Tiếng lòng nơi đầu sóng”, bình về những bài thơ hay, trong đó có tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Đây là một bài thơ được đánh giá là hay của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, mà nhà thơ Nguyễn Thị Thiện cho rằng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã dùng thủ pháp “điệp cú pháp” ở nhiều khổ thơ. Đây là tứ thơ mới, lạ khiến từng câu, từng chữ như gieo vào lòng người đọc những lớp sóng. Nhà thơ và người đọc như tự hỏi mình về ý thức, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, với biển đảo.
Có tới 7/10 khổ thơ của bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được bắt đầu bằng điệp khúc “Nếu Tổ quốc”: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển, Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển, Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo, Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích, Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa, Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả, Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát. Nhà thơ Nguyễn Thị Thiện cho rằng, trong số những bài thơ hay viết về Tổ quốc, về chủ quyền biển đảo cùng sự hi sinh để bảo vệ đất nước trường tồn, không thể không nhắc đến bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Đây là tiếng lòng chan chứa tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nỗi đau đáu, niềm tiếc thương sâu nặng những liệt sĩ đã xả thân bảo vệ biển đảo quê hương. Hình tượng Tổ quốc được thể hiện qua góc nhìn đa chiều.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phát biểu mở đầu buổi sinh hoạt |
Vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, người Việt không tiếc công sức, bản lĩnh của mình để gìn giữ. Hình ảnh Tổ quốc đang bão giông từ biển, là một ẩn dụ xuyên suốt bài thơ, gợi cảm từ những thử thách dữ dội đối với dân tộc ta đang phải đương đầu: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng nhớ mãi Trường Sa - Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn - Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không? - Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi - Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể/ Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù/ Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u - Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích/ Những đau thương trận mạc đã qua rồi/ Bao dáng núi còn mang hình góa phụ/Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi - Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông/ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng - Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân - Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/ Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh - Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 tại Hội Nhà văn Hà Nội |
Toàn bài thơ, với mảng cảm xúc, tráng ca hào sảng, thể hiện suy tư trĩu nặng trong từng câu, từng chữ. Nhịp điệu thơ khi dồn dập, lúc sâu lắng, phù hợp với nhiều cung bậc cảm xúc. Những vần thơ được chắt lọc từ gan ruột của tác giả, nói lên tâm trạng đầy xúc động, bằng thủ pháp nhân hóa, khiến biển từ thực thể thiên nhiên, trở thành sinh mạng mang phẩm chất, đức tính của con người, cụ thể là người mẹ, người mẹ Việt Nam căng mình ra chở che, bảo vệ những đứa con: Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn. Tấm lòng của tác giả biểu hiện ở các câu thơ: Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân. Ở đây, sự hi sinh của các chiến sĩ được tác giả mô tả theo phương thức ẩn dụ: Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân. Đọc đến đây, hình ảnh những chiến sĩ Gạc Ma bị quân Trung Quốc sát hại hiển hiện về dường như rất rõ nét. Tin rằng, bài thơ này của Nguyễn Việt Chiến sẽ còn sống mãi với thời gian.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn đau đáu trong lòng về những hi sinh, mất mát của những người con, để gìn giữ non sông. Ông đọc:… Trên đại ngàn Trường Sơn/ Những người con ngã xuống/ Cho quê hương mãi còn/ Tổ quốc là cây lúa/ Chín vàng mùa ca dao/ Như dáng người thôn nữ/ Nghiêng vào mùa chiêm bao/ Tổ quốc là ngọn gió/ Trên đỉnh rừng Vị Xuyên/ Phất lên trong máu đỏ/ Bao anh hùng không tên/ Tổ quốc là sóng mặn/ Trên cồn cào Biển Đông/ Cát Hoàng Sa ghi hận/ Đá Trường Sa tạc lòng. Đọc những câu thơ này mới thấy cái giá của độc lập, chủ quyền, những sự hi sinh mất mát khó bút nào tả xiết.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến còn kể về những kỉ niệm với chiến sĩ xe tăng. Theo anh, chiến sĩ xe tăng một khi đã hi sinh, thường không còn vẹn nguyên, thân xác các anh, với xe tăng một khi bị bắn cháy lên đến hàng nghìn độ, thường tan thành khói, tro bụi. Trong câu chuyện ông kể về sự hi sinh của 52 chiến sĩ đặc công trong trận đánh ở cầu Rạch Miễu ngày 29/4/1975, kể về những hi sinh của các chiến sĩ trong trận Vị Xuyên ngày 12/7/1984…
Các nhà thơ khác lên đọc tác phẩm của mình, viết về những liệt sĩ, thương binh của mấy cuộc chiến tranh, với những câu từ xúc động, sâu sắc. Nhà thơ Đỗ Phú Nhuận viết về thân phận, những hi sinh của các tù nhân ở nhà tù Côn Đảo, thông qua hình tượng cây bàng già, một cây bàng chứng kiến bao hi sinh, mất mát của những người tù: Giữa bốn bề song sắt, bốn bề kẽm gai/ Cây bàng già bị giam khai sinh cùng với nhà tù/ Lớp lớp lá cứ ngời lên tha thiết/ Tiễn bao người vừa đó đã lìa xa - Hỏi cây, cây biết hết/ Về Côn Đảo một thời/ Một đời cây biết mấy phận người/ Chân người tù xiềng xích, áo người tù tả tơi/ Tay tóe máu phá rừng, đập đá... Với bài “Đèn khuya trước gió”, nhà thơ Đức Bình mô tả hình ảnh người mẹ đón con vào vòng tay mẹ, nhưng con ở đây là nắm xương của người liệt sĩ: …Chiều nay mới được đón con/ Ẵm trong tay mẹ như còn bé thơ/ Nắm xương bọc tấm vải cờ/ Mẹ ngồi như tượng bên bờ nhân gian/ Nén nhang cháy vội còn tàn/ Ôm con. Ôm chặt lòng tan nát lòng!.... Tác giả Đào Thanh Cườm viết về mười nữ liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc, như những nàng tiên:… Thập phương về thắp hương thờ/ Vong linh liệt nữ ngọn cờ phất cao… Các O thiếu nữ sông La/ Tuổi trăng tròn đẹp tựa hoa núi rừng/ Quên mình bảo vệ lấy đường/ Hi sinh ngã xuống đoạn trường xót xa…
Còn nhiều bài thơ nữa, với những cung bậc xúc cảm về các liệt sĩ, thương binh đã hiến thân mình, xương máu mình cho nền độc lập của Tổ quốc. Buổi sinh hoạt chuyên đề để lại cho người dự nhiều tình cảm, với tinh thần tri ân các liệt sĩ, thương binh quên mình vì Tổ quốc.