Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025

Nhịp sống văn hóa 01/05/2025 08:23
“Người Mơ Nâm mình phải giữ văn hóa, phải giữ phong tục của mình. Đời sống giờ đã khá hơn trước nhiều rồi, được Đảng và Nhà nước quan tâm giữ gìn văn hóa nên càng có điều kiện giữ gìn tốt hơn”. Già A Nuông bộc bạch tâm sự khi đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt đan chiếc gùi theo đúng phong cách của người Mơ Nâm.
Ở làng Kon Chênh, xã Mang Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, người giữ được những bí quyết đan lát của Mơ Nâm hiện chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, A Nuông là một trong số đó. Du lịch mở cửa cho người làng phát triển kinh tế, sản phẩm của Mơ Nâm được đưa vào Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, được bán tại các hội chợ, được người ta mua làm quà hay sử dụng. Cứ thế, những gùi ghè, rổ rá, nong nia tới bồ đập lúa, cót đựng thóc đều làm từ mây tre sống dậy giá trị của mình. Cái nghề này có từ lâu lắm, đời cha đời ông không nhớ nữa. Phải dùng lồ ô (tiếng Mơ Nâm là pu ô), xăm lũ (hnớ) và ri (dây mây), chứ ít dùng le như các dân tộc khác. Gần 70 tuổi, A Nuông giữ cho mình đôi tay đan lát khéo léo, dường như chẳng có vật dụng thường dùng trong nhà mà không qua đôi bàn tay ông tạo nên.
![]() |
Nghệ nhân A Nuông là người hiểu sâu về kĩ năng diễn tấu cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc. |
Say sưa bên chiếc gùi đan dở trong một buổi chiều đầy gió, A Nuông nhìn con trai, con gái trong làng đang cặm cụi đan gùi, đan nong mà thấy hài lòng. Từ hơn 50 năm trước, ông đã tập quen với con dao, sợi lạt. Ngày đó, những đứa trẻ 12 - 13 tuổi mới tập đan thường làm quen với tấm phên thưa (greng), mỗi cạnh dài chừng 1 mét dùng để phơi cá hay thịt rừng trên giàn bếp. Sau đan phên thưa là đan các loại rổ, rá. Khi tay đan đã đạt đến trình độ nhất định, mới có thể dễ dàng đan được nong, nia, đơm, đó và đặc biệt là các loại gùi.
Nhắc đến gùi, phổ biến và đơn giản, dễ đan hơn cả là gùi thưa (kano). Đó là loại gùi thân chắc, nhưng lỗ thưa, được đan bằng những sợi nan to, thô; dùng để gùi củi, bắp, củ mì, đựng đồ dùng đi rẫy. Gùi dày (Kachơng) được ưa chuộng vì có nhiều công dụng, cũng gồm nhiều cỡ, kiểu dáng khác nhau. Kachơng thường được đan bằng lồ ô, xăm lũ, song cũng có khi được làm hoàn toàn bằng dây mây. Trên những chiếc gùi đan bằng lồ ô, xăm lũ, dây mây cũng được sử dụng để đan viền, làm nắp đậy hay trang trí. Cũng có khi mây được sử dụng để đan toàn bộ chiếc gùi, nhưng đòi hỏi nhiều công phu. Mỗi sợi đan được nối vào nhau làm thành mặt nan dày dặn, khít đều tăm tắp. Người Mơ Nâm có loại gùi dẹp dành cho nam giới và gùi thân tròn của chị em phụ nữ làm từ dây mây tinh xảo, bền đẹp. Con trai, con gái ở Kon Chênh chăm chú lắng nghe, chăm chú theo từng bước chỉ dạy của A Nuông như thế, vì họ biết ở nghệ nhân già là cả một kho báu trí tuệ về đan lát của Mơ Nâm.
Tiếng chiêng bỗng chừng vang lên thập thùng bên mép núi. A Nuông ngừng tay đan lát, rồi khoác chiếc áo thổ cẩm quày quả bước ra khỏi nhà, ông đi dạy cồng chiêng, xoang, chế tác và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc cho mấy người trẻ khác trong làng. Hóa ra, A Nuông không chỉ giỏi nghề đan lát, mà ông còn là người hiểu rõ nhất về những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của buôn làng. Không những thế, ông còn nắm rõ hát giao duyên, hát kể sử thi, biết đánh cồng chiêng, đã truyền dạy kĩ năng diễn tấu cồng chiêng cho gần 60 người dân tại địa phương.
![]() |
Sinh ra và lớn lên trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tà vẩu. Đến 15-16 tuổi, ông đã biết đánh thuần thục các bộ cồng chiêng khác nhau và thổi được tà vẩu. Thời thanh niên, để giao lưu văn hóa, văn nghệ cũng như bày tỏ tình cảm của mình với người thương, thu hút được nhiều bạn gái để ý, buộc các chàng trai trẻ phải biết đánh cồng chiêng thật giỏi, thổi tà vẩu thật hay. Cứ như vậy, ông say mê học đánh cồng chiêng từ người cha và những người lớn tuổi trong làng. Không dừng lại ở đó, để học được nhiều bài chiêng khác nhau, ông đã đi khắp các làng trong vùng để giao lưu và học hỏi, dần dần đã thuộc và đánh được nhiều bài chiêng khác nhau. Chính vì thuộc nhiều bài chiêng nên ông thường xuyên tham gia trong đội cồng chiêng của thôn dự nhiều liên hoan văn hóa dân gian do xã, huyện, tỉnh tổ chức. A Nuông đã nhiều lần được Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum tặng Giấy khen, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và vinh dự hơn, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2019.
Người làng thì tấm tắc, các cán bộ văn hóa thì kính trọng, chính quyền các cấp cũng hỗ trợ để A Nuông giữ gìn, phát huy kho báo văn hóa của Mơ Nâm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, nghệ nhân A Nuông là người hiểu sâu về kĩ thuật đan lát, kĩ năng diễn tấu cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc. Ông am hiểu những đặc điểm, hiểu biết sâu sắc các giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa của mỗi loại nhạc cụ truyền thống và không gian diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng qua các lễ hội khác nhau như lễ mừng lúa mới, lễ bắt máng nước... Ngoài ra, ông còn có công lớn trong việc truyền dạy cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc.
![]() |
Ngày hay đêm trên Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, bên bập bùng lửa, những trẻ già, trai gái Mơ Nâm trong men rượu cần nồng nàn cùng chiêng trống và tiếng sáo tà vẩu ngân vang réo rắt, níu kéo mọi người ghé đến vùng đất giàu bản sắc văn hóa và độc đáo này. Du lịch đã mở ra cánh cửa cho văn hóa dân tộc phát triển, những điệu vũ cồng chiêng, suang, những lễ hội của Mơ Nâm đã trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, mang lại thu nhập cho đồng bào. Công lớn ấy có phần góp sức của A Nuông và cộng đồng Mơ Nâm ở Kon Chiêng này.