Quốc kỳ rộng 2.025m² tung bay trên quảng trường Hồ Chí Minh

Nhịp sống văn hóa 14/05/2025 14:57
Con đường về Kim Liên quê Bác không ngừng đổi thay, mỗi ngày thêm khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn khung cảnh chân quê, yên bình như một bức tranh hữu tình mộc mạc mà lắng sâu vào lòng người. Lối vào làng Sen muôn hoa đua nhau khoe sắc, toả hương. Tôi sực nghĩ, đúng là làng Sen, làng có rất nhiều ao sen nối nhau toả hương thơm ngào ngạt, thứ hương thơm tinh khiết trong trẻo khiến tinh thần thanh thản an yên…
Kia rồi, ngôi nhà của Bác Hồ ngày xưa. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sinh sống những năm tháng của thời niên thiếu. Dưới mái nhà tranh đơn sơ ấy, tuổi thơ của Bác Hồ được sống trong sự đùm bọc của tình thương yêu từ gia đình, bà con xóm giềng. Cũng chính tình yêu thương đó đã nuôi dưỡng trong tâm hồn Bác một tình yêu giống nòi vĩ đại, một tình yêu con người, quê hương, đất nước vô bến, vô bờ...
![]() |
Du khách đến thăm quê Bác. |
Tôi bồi hồi lắng lại, xúc động nghẹn ngào. Có tiếng nhạc du dương theo lời bài ca: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/ Người về đây thăm Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha…”. Chân tôi run run bước vào thềm ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ, tất cả vẫn còn nguyên. Cô thuyết minh viên giọng xứ Nghệ cất lên nghe sao mà da diết quá:
- Đi khắp bốn phương trời Người mới có dịp thăm quê “quê cha làng Sen - quê mẹ Hoàng Trù”. Sau 50 năm xa cách, lần đầu tiên, mùa Hè năm 1957, Bác mới được về thăm quê nhà... Hoàng Trù, nơi đây Bác đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19/5/1890 trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ, nơi đây đã ươm mầm cho nhân cách dản dị mà vô cùng vĩ đại của Người. Những kỉ vật của Bác từ 1 đến 5 tuổi: Chiếc võng gai, chiếc chõng tre đơn sơ, cái tủ gỗ, cũi đựng thức ăn... Và đây nữa, ở làng Sen, có ngôi nhà tranh 5 gian với những hiện vật gắn bó với gia đình Bác: Chiếc bàn, hai bộ phản, giường gỗ, chiếc rương, chiếc tủ, chiếc mâm gỗ sơn đen, kiềng sắt ba chân... vẫn còn vẹn nguyên, nghe như vẫn còn ấm hơi của Người...
Đến Nhà lưu niệm Bác Hồ trong Khu di tích Kim Liên đọc những dòng văn của Bác để lại khiến mọi du khách đều rưng rưng nước mắt: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội bất lễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hi sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.
Tôi tin chắc rằng sau khi đã đến nơi đây bất cứ ai cũng sẽ được cảm hoá, được bồi đắp tính thiện lương, tinh thần sống vì mọi người, muốn sẻ chia, muốn phấn đấu trở thành người tốt, xứng đáng là con cháu Bác Hồ, tự hào dòng máu con cháu Lạc Hồng.