Những cung bậc tình cảm và hình tượng người cựu chiến binh thời hậu chiến
Xã hội 05/10/2023 10:46
Cụ Trần Hồng Tiến, sinh năm 1931, cựu chiến binh, nhà văn, nhà thơ, thành viên nhiều tuổi nhất Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây, thuộc Hội Nhà văn TP Hà Nội. Lược qua trích ngang như vậy, để nhận thấy cụ từng có những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, đối mặt với “hòn tên, mũi đạn”.
Nhà thơ Đào Ngọc Chung, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây tặng hoa tác giả Trần Hồng Tiến. |
Người ta biết đến cụ Tiến với tư cách nhà thơ quân đội nhiều hơn, vì cụ làm thơ từ rất sớm, bài thơ đầu tiên cụ viết năm 1948, khi đó cụ mới 17 tuổi, sau này cụ sống và viết chủ yếu về cảm xúc của những người lính. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, cụ Trần Hồng Tiến có 35 năm tuổi quân, là một nhà lão thành cách mạng, với 70 năm tuổi Đảng và có hơn 30 năm cầm bút. Cụ từng xuất bản những tập thơ: “Thư cài đầu chõng”, “Mấy khúc nông sâu”, “Hai chấm mây chiều”, “Mẹ là vòm trời”… Nhưng thật bất ngờ, cụ bỗng rẽ sang văn xuôi, với các thể loại truyện ngắn và kí. Năm 2000 cụ đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn, với tác phẩm “Đường chiều”. Bất ngờ hơn nữa, ngoài 90 tuổi cụ cho ra mắt tập truyện ngắn “Đường chiều”, được Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây tổ chức lễ ra mắt giới thiệu cuốn sách.
Về tập truyện ngắn “Đường chiều”, với 8 tác phẩm gồm các truyện: “Tìm nơi quán nước bên cầu”, “Ba nhành hoa”, “Đường chiều”, “Thiên tình ca rực lửa chiến trường”, “Mùa hoa bên bờ vọng nguyệt”, “Đường về làng không dễ”, “Ngày mai trời nắng đẹp”, “Sắp ngày cưới con”. Trong đó, duy nhất có truyện “Đường về làng không dễ” là không có hình tượng người cựu chiến binh, mà nhân vật chính là vị quan tham cấp Vụ trưởng về hưu trước tuổi 3 năm, thất thểu, lạc lõng giữa đường làng, vì những lỗi lầm khi đương chức, nên khi về làng không được người làng đón nhận… Số truyện còn lại đều có nhân vật chính là các cựu chiến binh đã kinh qua một thời lửa khói.
Đó là Đức lái xe tải chở vật liệu xây dựng cho công trường, có quá khứ là một người lính trinh sát đặc công, hồi hộp trở về nơi quán nước bên cầu, mà ngày trước anh đã đến đây chào tạm biệt bà Đa và bé Vân, để lên đường vào Nam chiến đấu. Nay Đức trở lại, bé Vân đã trở thành cô kĩ sư Lệ Khánh xinh đẹp, lộng lẫy trong ngôi nhà sang trọng trên khu đất xưa là quán nước bên cầu. Đó là Chiến, một cựu chiến binh, một sĩ quan gắn bó cuộc đời với xe pháo, may mắn trở về vẹn nguyên thân thể, nhưng có người vợ trẻ đã ra đi trong chiến tranh vì bị mảnh bom găm vào ngực, để lại người con trai, được cô hàng xóm nhận làm con nuôi, nuôi dạy nên người. Đó là Hoa, có chồng là Vĩnh nhập ngũ cùng với Chiến, nhưng hi sinh trong trận đánh thám báo bảo vệ khí tài. Hai người hàng xóm sát vách, một mất vợ, một mất chồng tưởng chừng sẽ đến với nhau, nhưng không tác giả chọn cách xử lí để ông Chiến thầm lặng đi tìm hài cốt liệt sĩ Vĩnh về quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương, như một nghĩa cử tri ân đối với người đã khuất.
Còn nhiều hình tượng người chiến sĩ, người cựu chiến binh nữa, với những cung bậc cảm xúc, những hình tượng, hoàn cảnh. Đó là cuộc gặp mặt bất ngờ sau 40 năm xa cách, giữa Đại tá Sơn, nguyên cán bộ tuyên huấn, với những người bạn cũ là ông Linh, nguyên là Đội trưởng trinh sát và bà Hằng, Tiểu đội trưởng nữ du kích năm xưa. Những cựu chiến binh nghỉ hưu còn bận rộn, tất bật hơn thời mặc áo lính, do người sống phải chu đáo với người đã hi sinh, trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội. Và hình ảnh sinh động của tiểu đội nữ du kích, xứng đáng là những bông hoa tỏa hương sắc trong trang sử hào hùng của khu Cháy kiên cường chống Pháp. Đó là cuộc hội ngộ của những người lính và những cựu thanh niên xung phong sau bao năm từng băng rừng, lội suối, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Đó là bà Muôn mái tóc hoa râm, đang dẫn Trung tá Cầu và nhà văn cựu chiến binh đến thăm xóm cựu thanh niên xung phong, ẩn khuất sâu trong nông trường chè, lại chính là cô Khánh xinh đẹp năm xưa trên trọng điểm rà phá bom Mỹ trên cao điểm Trường Sơn. Đã bao năm sau khi rời chiến trường, các chị, các bà đã dừng chân ở đây ngóng trông, chờ bóng dáng những người đàn ông. Và còn nữa, cuộc tái ngộ sau 20 năm xa cách giữa anh Thượng úy pháo binh, với người cán bộ phụ nữ tặng hoa đơn vị tại trận địa ven hồ Vọng Nguyệt. Ở tuổi xế chiều nồng ấm trong vòng tay nhau, vẫn là cuộc gặp mặt giữa Đại tá công binh và cô gái xinh đẹp tên Lan, với mối tình đẹp như thơ, như mơ sau bao năm xa mặt chẳng xa lòng.
Nhà thơ Đào Ngọc Chung, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây cảm khái: “Hình như cuộc đời binh nghiệp dồn nén, đang phập phồng hơi thở trong từng trang sách. Không phải ngẫu nhiên trong bài thơ “Đường bóng chiều” ông đã cất tiếng gọi tha thiết: Ơi người bạn lính, bạn thơ/ Gió mưa quăng quật, bây giờ ở đâu?. Đáp lại tiếng gọi thân thương đó, những đồng đội của ông lần lượt trở về hội ngộ, tái ngộ trong tác phẩm “Đường chiều”. Các đồng chí, đồng đội của tác giả “Đường chiều” đều tuổi xế chiều, tóc đốm bạc nhưng những cuộc hội ngộ, tái ngộ của họ bừng sức trẻ, rộn rã tiếng cười, đậm nghĩa tình”.
Nhà văn Trần Thanh Ứng cho rằng, trong truyện ngắn của tác giả Trần Hồng Tiến đầy ắp chất thơ. Ông nói: “Với tư cách người đọc yêu mến thơ Trần Hồng Tiến và có nhiều bài viết về thơ ông, nay đọc “Đường chiều” của ông tôi cảm nhận thú vị, như bắt gặp những gì thật mới mẻ, nhưng cũng thật thân quen, gần gũi. Phải chăng đó chính là chất thơ trong truyện ngắn của Trần Hồng Tiến. Bảy truyện ngắn của ông hướng tới chất văn đậm đà tình nghĩa, với những cốt truyện giàu tính nhân văn, tình người cao đẹp, được sáng tạo, cảm hứng trong sáng đầy chất thơ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “… Đọc những truyện ngắn này, trong cảm xúc và ấn tượng của tôi hiện lên một hình ảnh rất rõ, về một người lính đã đi qua chiến tranh, về một người già đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, bây giờ ngồi xuống kể với giọng trầm cho ta nghe những câu chuyện cuộc đời, mà ông chứng kiến, hoặc ông là một phần quan trọng của các nhân vật trong những câu chuyện đó…”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận xét: “… Như vậy, truyện dù kể về chiến đấu gian nan, đau thương nhưng vẫn có chất lãng mạn, có phần thi vị, không khô khan, cứng nhắc. Ông viết về các trận đánh là có thật, có trải nghiệm, có tên người, tên đất và bám sát sử liệu. Đọc truyện của ông thấy các tình tiết, chi tiết được kể tỉ mỉ, chân thực và hấp dẫn, đủ tin cậy bởi chính ông bước ra từ hiện thực cuộc chiến ấy…”.
Nhà văn Hoàng Minh Tường viết: … “Đường chiều” của tác giả trần Hồng Tiến quả… giống như một bè đồng ca trầm khỏe, bỗng vút lên một giọng sôlits khiến người nghe bị lôi cuốn, hứng khởi. “Đường chiều” có cốt cách của một sôlits với âm hưởng trầm vang, có sức sâu lắng, khơi gợi… Bằng một giọng kể trầm tĩnh, giản dị, một lối văn chân mộc, nhưng không kém phần cuốn hút, Trần Hồng Tiến không chỉ thu hút người đọc, mà đôi khi ông còn cuốn hút người đọc tham gia vào câu chuyện, cùng khám phá chiều sâu tính cách và nội tâm nhân vật. Truyện tưởng như không mới, nhưng thấm đẫm tình người và đạt tới tầm cổ điển…