Xuân về trên dãy Trường Sơn
Đời sống 14/01/2025 10:22
Các sơn nữ Cơ Tu thường mang gùi “Khách Tà mòi” làm tăng phần duyên dáng |
Già làng Y Kông, 99 tuổi, người được cả làng kính trọng, chia sẻ rằng, tục Tr’záo ở mỗi vùng lại có cách gọi khác nhau như R’záo hay Tà Moòi, nhưng ý nghĩa chung vẫn là dịp gặp gỡ, thăm viếng thân tình. Người Cơ Tu dù cuộc sống có khó khăn đến đâu vẫn luôn dành thời gian để tổ chức Tr’záo, thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa cha mẹ và con gái, giữa anh chị em ruột thịt dù khoảng cách địa lí có xa xôi.
Hằng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam đều chuẩn bị một chuyến Tr’záo để đến thăm gia đình thông gia. Trước đó, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một số quà tặng, không quá cầu kì nhưng đầy tình cảm, như ché rượu cần, xôi nếp, thổ cẩm hay những sản vật quen thuộc của núi rừng gồm cá suối, thịt gà, vịt được sắp xếp tươm tất trong chiếc gùi đặc biệt gọi là “Khách Tà mòi” để mang đến nhà trai, như một lời chúc tốt đẹp và một sự tri ân chân thành của nhà gái đối với thông gia.
Hội làng ở vùng cao |
Già làng Alăng Bảy, người sống tại thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam kể rằng, khi ngày hội Tr’záo bắt đầu, mỗi gia đình sẽ tự tay chuẩn bị mâm cỗ. Đó có thể là xôi, bánh trái, thịt cá - những món ăn bình dị mà mang đầy tình cảm, như một “lễ cưới nhỏ” để trao gửi thân tình. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nhà gái sẽ cùng nhau lên đường đến thăm gia đình nhà trai, dù đường đi xa xôi hay phải băng qua nhiều đèo dốc.
Ngày ấy, giữa núi rừng Trường Sơn tươi mát, không gian ngập tràn tiếng cười nói của hai bên gia đình. Đêm xuống, bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng, người lớn tuổi quây quần cùng nhau thưởng thức rượu cần, hát lí đối đáp, trò chuyện thân mật. Những câu hát, lời nói dịu dàng hỏi thăm về sức khỏe, mùa màng, việc làm ăn… tô đậm thêm tình thân thiết, kết nối bền chặt hai gia đình. Những lúc ấy, không chỉ là họ hàng thông gia mà còn là những người bạn, người tri kỉ cùng nhau sẻ chia, đùm bọc.
Loại gùi “Khách Tà mòi” |
Theo lời kể của già làng Đinh Văn Bớt, khi đêm đã về khuya, cái lạnh đại ngàn bao phủ, bếp lửa bập bùng tỏa hơi ấm như giữ chân mọi người quây quần bên nhau; câu hát lí vẫn được nối dài, từng giọng hát cất lên, người đối đáp, người lặng nghe, để rồi khi tiếng gà đầu tiên vang lên báo hiệu một ngày mới, những người thân lại chia tay trong bịn rịn. Con gái tiễn cha mẹ, anh chị em ra tận đầu làng, lòng mong chờ một dịp Tr’záo trong mùa Xuân mới.
Tục Tr’záo của người Cơ Tu, như lời ông Palăng Bưng, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang, chính là một nét đẹp văn hóa độc đáo, kết tinh tình yêu thương và gắn bó. Tục lệ này không chỉ là buổi thăm viếng đơn thuần, mà là sự bày tỏ tình cảm chân thành của những người thân trong gia đình, của hai bên thông gia, gắn bó các thế hệ qua bao năm tháng. Mùa Xuân trên dãy Trường Sơn vì thế mà luôn rộn ràng và ấm áp, là mùa của đoàn tụ, của tình cảm thiêng liêng mà những người Cơ Tu vẫn luôn trân trọng gìn giữ.