Theo chân những người bảo vệ “linh hồn của dãy Trường Sơn”
Xã hội 24/11/2023 09:18
Từ 2013 đến nay, để bảo vệ loài sao la, hai khu bảo tồn sao la được thành lập ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam nối liền vùng rừng nguyên sinh hơn 30.000ha. Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn loài Sao La Quảng Nam cho biết, từ ngày thành lập khu bảo tồn đến nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của Sao La dần phục hồi và tốt lên. Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu sự tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường rừng cho loài sao la được đặt lên trên hết.
Những người giữ rừng dựng lán giữa cơn mưa rừng. |
Cung đường trên những cánh rừng của Khu bảo tồn loài Sao La Quảng Nam (trụ sở tại xã Bhalêê, huyện Tây Giang) dài hàng chục km không một bóng người vãng lai, chỉ có tiếng vượn hót, chim kêu bên những cánh rừng bạt ngàn, sâu hun hút. Hai bên đường chỉ có một số chốt kiểm soát quản lí bảo vệ rừng. Các đối tượng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và vận chuyển lâm sản trái phép rất đa dạng. Chúng thường tổ chức phá rừng vào ban đêm nên rất khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ trong việc phát hiện, ngăn chặn.
Để bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tăng cường tuần tra mật phục các khu vực rừng, bất chấp khó khăn gian khổ, cùng nhau sẻ chia chút lương thực và nước uống mang theo sau thời gian đi bộ tuần tra vất vả trong rừng sâu.
Phút nghỉ ngơi bên bờ suối của lực lượng kiểm lâm. |
Những người kiểm lâm từng ngày, từng giờ chiến đấu để giữ rừng. Luôn phải đối diện với hiểm nguy, bởi các đối tượng “lâm tặc” rất hung hãn, chống trả; bên cạnh đó là những tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi đi tuần tra giữa rừng sâu. “Không chỉ mồ hôi mà tính mạng, sức khỏe mà máu của anh em lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài Sao La Quảng Nam cũng phải đổ, để giành lại sự sống cho rừng và các loài động vật hoang dã”. Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Sơn.
Những khi cơn mưa rừng trút xuống dài cả tuần trời khiến nước lũ tràn xuống, những người kiểm lâm phải ở lại giữa rừng đợi nước rút mới vượt suối trở về. Có những khi vượt qua con suối thì đã nửa đêm, đói lả và mệt vì thấm lạnh nước mưa, ai nấy mỏi nhừ. Việc nhóm lửa nấu cơm cũng là một “cực hình” với những người đầu bếp. Củi ướt, không thể nhóm lửa được hoặc khói cay mờ mắt nên nhiều lúc những người kiểm lâm trệu trạo nhai mì tôm sống, uống nước cho qua bữa. Có khi mang theo bánh chưng, bánh tét để tiện cho công việc thì có lúc mở ra nước mưa đã làm bánh hư hỏng không thể ăn được.
Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của các kiểm lâm viên. Lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách thuộc Khu bảo tồn loài Sao La Quảng Nam có 25 người, với nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa môi trường sống của loài sao la như phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Mục tiêu là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của sao la và các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọạ, các loài đặc hữu của vùng núi miền Trung - Trường Sơn, duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn. Đồng thời, rừng còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn.
Thành lập vào tháng 3/2011, lực lượng tuần tra của khu bảo tồn đã thực hiện hàng nghìn đợt tuần tra trên khắp diện tích do khu quản lí. Qua đó đã kịp thời tháo gỡ, phá hủy hơn 10.000 bẫy thú các loại, cùng hàng nghìn mét rào bẫy, phá hủy hàng trăm lán trại và đẩy đuổi hàng ngàn lượt người vào rừng khai thác trái phép. Song song với công tác tuần tra, bảo vệ trong khu bảo tồn, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền giáo dục cho bà con vùng đệm của khu bảo tồn nhằm tránh những xâm hại đến rừng.
Những bước chân trèo núi, lội suối, vượt thác ghềnh để bảo vệ rừng. |
Anh Huỳnh Công Huy, thành viên tổ tuần tra chia sẻ: “Nhiệm vụ của tổ tuần tra là ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ gây hại đến môi trường sống của sao la và các loài động thực vật. Nếu gặp người dân, chúng tôi cũng thực hiện tuyên truyền tại chỗ giúp họ hiểu và không vào rừng nữa”. Những năm gần đây, Ban Quản lí Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam đã áp dụng ứng dụng Locus Map Free trong công tác quản lí, tuần tra rừng. Với tính hiệu quả cao, áp dụng mọi địa hình nên ứng dụng này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam triển khai rộng khắp cho lực lượng kiểm lâm và các ban quản lí rừng khác trên địa bàn.
Theo thống kê, số lượng sao la ở khu vực Tây Bắc Quảng Nam còn khoảng 40 - 50 cá thể, phân bố ở các khu vực Tà Lu, Sông Kôn (huyện Đông Giang) và A Vương, Bha lêê (huyện Tây Giang). Nếu không bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống của sao la thì tương lai không xa loài động vật được mệnh danh là “linh hồn của dãy Trường Sơn” sẽ tuyệt chủng.