Vụ Công ty CP Đấu giá và Thương mại Thăng Long bị tố “ém hồ sơ”: Cơ quan điều tra cần vào cuộc khẩn cấp
Pháp luật - Bạn đọc 03/08/2018 02:53
Những “lát cắt” mờ ám trong thương vụ nhiều dấu hiệu bất thường?
Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên Báo Người cao tuổi, thời gian qua, Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long), có địa chỉ tại số 54 Trần Nhân Tông, TP Hà Nội là đơn vị bán hồ sơ đấu giá, tài sản trên đất (dây chuyền máy móc, thiết bị nhà xưởng, vật kiến trúc) của Công ty CP Thép Vạn Lợi, có địa chỉ tại thôn Đồng Mai, xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Tuy nhiên, theo phản ánh, sau nhiều ngày đến Công ty này chực chờ để mua hồ sơ, Công ty này luôn trong tình trạng “vườn không nhà trống”, khiến một số doanh nghiệp đến đăng ký mua hồ sơ thầu lại phải ra về tay không. Bất ngờ, chỉ mấy ngày sau (17/7), Công ty Thăng Long đã tiến hành bán đấu giá tài sản trên.
Tại buổi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Dương,(đứng) Chủ tịch HĐQT Công ty Thăng Long và ông Lê Thế Hiệp (ngồi bên phải ông Dương) |
Anh T.V.H,, một doanh nghiệp đến mua hồ sơ bức xúc: “Sáng 16/7, chúng tôi đến Công ty Thăng Long để mua hồ sơ đấu giá tài sản của Công ty CP thép Vạn Lợi, tuy nhiên tại phòng 306, ông Nguyễn Thế Hiệp (người được giao phụ trách bán hồ sơ của Công ty CP Thép Vạn Lợi) cho biết, hồ sơ đấu giá được bán từ ngày 29/6 và đã hết hạn ngày 14/7. Tờ thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi lại được dán trong phòng của ông Hiệp”.
Việc thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi dán trong phòng liệu có người tới mua hồ sơ có thể tiếp cận, hay đây chỉ là thông báo “chống chế” để đối phó với quy định của pháp luật?.
Trước những thông tin phản ánh, dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong công tác tổ chức bán hồ sơ đấu giá của Công ty Thăng Long: Phải chăng có dấu hiệu ém hồ sơ của đơn vị này? Có hay không việc thông thầu khi một số đơn vị phản ánh là không thể tiếp cận được hồ sơ?...
Nhiều nghi vấn không được làm rõ trong buổi họp báo
Trước những thông tin và hoài nghi về việc có dấu hiệu ém hồ sơ, thông thầu được phản ánh thu hút sự quan tâm của dư luận. Chiều ngày 18/7, Công ty Thăng Long đã mời cơ quan báo chí đến để trao đổi xung quanh vụ việc này.
Tại buổi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thăng Long và ông Lê Thế Hiệp (người phụ trách bán hồ sơ)… đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên liên quan đến tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi(!?). Việc tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để làm sáng tỏ những hoài nghi liên quan đến dấu hiệu thông thầu thế nhưng không hiểu tại sao, những người được giao đảm nhiệm trả lời lại từ chối cung cấp thông tin và trả lời những câu hỏi mà phóng viên đặt ra? Phải chăng có sự mờ ám trong vụ việc như báo chí đã phản ánh?.
Những đại diện của Công ty Thăng Long có mặt tại buổi họp báo, chỉ tìm cách chứng minh ngày 13 và 14/7, trong hai ngày bán hồ sơ đấu giá này ông Hiệp luôn có mặt tại Công ty chứ không phải vắng mặt như một số thông tin báo chí nêu. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hình ảnh được ghi lại từ Camera để chứng minh ông Hiệp có mặt tại thời điểm ngày 13/7, thì ông Hiệp trả lời việc này chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền.
Ngay sau đó, ông Hiệp cho biết: “Chiều 13/7, tôi có việc bận phải đi ra ngoài và có nhờ một nhân viên trong công ty trực hộ”. Tuy nhiên, khi được đề nghị cho biết rõ nhân viên trực thay hôm đó thì ông Hiệp lại từ chối. Chính điều này đã làm tăng thêm những nghi vấn của dư luận đặt ra là có cơ sở.
Đơn đề nghị của Công ty Thăng Long gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Báo chí; Cục An ninh văn hóa (A87) gửi tới nhiều cơ quan báo chí nhằm mục đích gì? |
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đã đưa ra những câu hỏi liên quan đến vụ việc dư luận xã hội đang hết sức quan tâm như: Thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi được đăng tải thời gian nào, ở đâu? Trước khi tiến hành đấu giá tài sản được thẩm định giá trị bao nhiêu? Đơn vị độc lập nào đứng ra để thẩm định? Có bao nhiều đơn vị mua được hồ sơ và tham gia đấu giá, tài sản đấu giá được bán bao nhiêu?... Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi mà các phóng viên đưa ra đều bị đại diện của Công ty từ chối trả lời.
Dường như Công ty Thăng Long có biểu hiện của việc thiếu tôn trọng báo chí và dư luận, bởi một cuộc họp báo là để cung cấp thông tin, làm rõ những hoài nghi, và những câu hỏi được đặt ra thì đại diện của Công ty lại luôn khước từ không cung cấp thông tin, khiến cho những khúc mắc đến nay vẫn là một ẩn số?.
Văn bản bất thường tiện tay gửi cho nhiều cơ quan báo chí!
Liên quan đến vụ việc, Công ty Cổ phần Thăng Long đã có đơn đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Báo chí; Cục An ninh văn hóa (A87) và những cơ quan báo chí đã có bài viết phản ánh về những dấu hiệu "ém" hồ sơ của Công ty Thăng Long. Điều đáng nói là Công ty Thăng long đã "tiện tay" gửi cả đơn kiến nghị đến một số cơ quan báo chí chưa có bài viết phản ánh không rõ nhằm mục đích gì? Phải chăng đây là cách mà Công ty này dùng để ngăn cản cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh về những dấu hiệu bất thường của sự việc?
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc có dấu hiệu “ém" hồ sơ đấu thầu, phóng viên Báo Người cao tuổi (Báo Ngày mới online) đã tiến hành xác minh thông tin. Tuy nhiên, khi phóng viên tiến hành xác minh củng cố những bằng chứng để thông tin phản ánh được khách quan đa chiều thì bất ngờ tại tòa soạn lại nhận được đơn đề nghị với nhiều nội dung, trong đó có yêu cầu cải chính thông tin. Điều lạ là vụ việc mới đang được tìm hiểu, Báo chưa đăng bài, thế nhưng vì lý do gì Công ty Thăng Long lại có văn bản yêu cầu báo cải chính lại thông tin. Phải chăng đây là hành vi cố ý nhằm làm mất uy tín của tòa soạn, cơ quan ngôn luận?.
Đơn đề nghị gửi cơ quan báo chí phần ký tên đóng dấu là ông Nguyễn Huy Dương trong phần dấu đỏ không có ghi đích danh CTHĐQT mà lại được viết thêm bằng tay. |
Để làm rõ những thông tin có dấu hiệu “ém” hồ sơ và việc gửi văn bản “bất thường” của phía Công ty Thăng Long cho cơ quan báo chí, phóng viên đã liên hệ với bà Lương Thị Tâm, Giám đốc Công ty Thăng Long.
Qua điện thoại bà Tâm cho rằng, việc gửi đơn đề nghị như vậy là để cơ quan báo chí nắm tình hình. Tuy nhiên khi phóng viên đề nghị làm việc trực tiếp để thông tin được khách quan, thì bà Tâm đã chỉ đạo cho một người của Công ty tên Dương để liên hệ làm việc. “Tôi đã chuyển số điện thoại cho anh Dương và giao cho anh Dương làm việc”, bà Tâm nói.
Phóng viên được biết, ông Dương mà bà Tâm chỉ đạo làm việc với phóng viên là Chủ tịch HĐQT là người đứng đầu Công ty Thăng Long, nhưng bà Tâm lại có thể chỉ đạo ông Dương làm việc!?. Điều bất thường nữa tại công văn đề nghị gửi cơ quan báo chí phần ký tên đóng dấu là ông Nguyễn Huy Dương trong phần dấu đỏ không có ghi đích danh Chủ tịch HĐQT, mà lại được viết thêm bằng tay. Vậy ông Dương có đích thực là Chủ tịch HĐQT của Công ty, hay có vai trò gì mà bà Tâm lại có thể chỉ đạo ông Dương trong công việc?.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Thăng Long đi thuê lại trụ sở của,Vinacontrol, chỉ vỏn vẹn vài chục m2, liệu có đủ năng lực để tổ chức đấu giá hay không?
Trước những dấu hiệu mập mờ,bất thường trong việc bán hồ sơ đấu giá của Công ty Thăng Long đề nghị cơ quan điều tra cần vào cuộc để xác minh, xử lý sai phạm nếu có, nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Làm rõ mục đích của việc gửi văn bản đề nghị tới nhiều cơ quan báo chí nhằm mục đích gì?
Báo Người cao tuổi (Báo Ngày mới online) sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an làm rõ những bất thường đang diễn ra tại Công ty Thăng Long.
Báo Người cao tuổi, Báo Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.
Nhóm PVPL