“Vỡ bát họ” hàng chục tỷ đồng ở Hải Phòng: Nhiều người cao tuổi ngậm trái đắng
Phóng sự 06/08/2020 13:52
Tiền “biến mất” trong đêm
Thời gian vừa qua, người dân thôn Bách Phương như ngồi trên đống lửa bởi họ đang có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng mỗi người. Đó là số tiền mà họ dành dụm nhiều năm, tiền dưỡng già thậm chí tiền để dành cho con đi học.
Mọi chuyện đều bắt nguồn từ những bát họ - một hình thức huy động vốn tự phát của người dân địa phương tự tổ chức tham gia chơi với nhau.
Ban đầu, việc góp họ xuất hiện vì nhu cầu cần một khoản tiền lớn, cùng nhau tiết kiệm để phát triển kinh tế.
Nhà của bà Hoàng Thị Phượng khóa cửa gần 1 tháng nay. |
Nhưng thời gian gần đây, loại hình này bắt đầu biến tướng thành các nhóm có quy mô lớn và có lãi suất cho người tham gia chơi nên đã thu hút hàng trăm người, không chỉ tại xã An Thắng.
Qua tìm hiểu, trên địa bàn xã An Thắng có khoảng 4-5 người đứng ra làm chủ họ (người cầm tiền). Mỗi người phụ trách thu họ, ghi chép cho hàng chục bát họ khác nhau với số tiền thu về lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng.
Người chơi sẽ thu được tiền lãi thông qua hình thức đấu giá bát họ, ai muốn lấy tiền sớm để làm ăn, đầu tư sẽ phải đấu giá để được lấy trước.
Với hình thức có lãi suất, nhiều người đã dốc hết vốn liếng trong nhà để tham gia. Thậm chí có người phải vận động con cháu cùng chơi, rút tiền trong ngân hàng hoặc vay vốn của anh em họ hàng lãi suất thấp để có tiền đóng vào các bát họ.
Hình thức hoạt động góp họ này cứ thế kéo dài trong nhiều năm, cho đến khi xảy ra vụ việc một chủ họ là bà Hoàng Thị Phượng cùng toàn bộ người thân trong gia đình biến mất trong đêm, cùng toàn bộ số tiền của hàng trăm hộ dân vào đêm ngày 9/7.
Bà Trưa lo lắng về số tiền dưỡng già của mình sẽ mất trắng. |
Trong những năm đầu mời chào mọi người tham gia góp họ, bà Phượng còn mang tiền đến tận nhà người chơi trả khi đến lượt lấy, mọi thứ đóng tiền, trả tiền đều rất công khai song phẳng khiến nhiều người rất tin tưởng.
Điều đó đã khiến ngày càng có nhiều người tham gia các bát họ mà bà Phượng mở ra, có những người huy động tiền của cả nhà tham gia đến hơn chục bát họ.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2020, bà Phượng có biểu hiện chậm trả tiền cho người đến lượt lấy hoặc mượn lại tiền của người bốc nên người dân bắt đầu nghi ngờ.
Đến giữa tháng 6/2020, đến kỳ hạn nhưng người bốc họ không trả tiền nên rất bức xúc và tập trung tại nhà bà Phượng, yêu cầu làm rõ.
Tại cuộc họp, bà Phượng giải thích do một số người bốc nhiều bát họ nhưng không có khả năng chi trả nên bà Phượng không có tiền trả cho người mới bốc họ trong tháng. Bà này cũng hứa hẹn về việc sẽ thanh toán sau khi đòi được tiền từ những người lấy họ trước. Tuy nhiên chưa đến ngày hẹn, bà Phượng cùng gia đình 4 người đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Làng quê điên đảo vì vỡ hụi
Để làm rõ sự việc, phóng viên đã tìm đến căn nhà của bà Hoàng Thị Phượng tại thôn Bách Phương 3, ngôi nhà nằm sâu bên trong một con ngõ nhỏ hiện đang đóng cửa kín mít như đã bỏ hoang từ lâu với những vết màu loang lổ do người đòi nợ dùng sơn xịt lên nhà. Sau khi gia đình này bỏ đi đã có rất nhiều người tìm đến, chửi bới đòi siết đồ đạc.
“Một số người không phải người địa phương mà đến từ các xã khác trên địa bàn huyện An Lão. Có người còn tham gia góp họ lên đến 4-5 tỷ đồng nên giờ trắng tay”, hàng xóm của bà Phượng cho biết.
Ngoài những người chơi lớn, người dân tại thôn Bách Phương với các ngành nghề chủ yếu là làm nông, chạy chợ thì với số tiền vài trăm triệu góp họ bị mất cũng đủ khiến họ khốn đốn. Là một trong những người trắng tay vì tham gia góp họ, bà Vũ Thị Lan (61 tuổi, thôn Bách Phương 3) đã góp toàn bộ số tiền mình tích cóp được trong nhiều năm qua cho bà Phượng.
Với 11 bát họ tham gia từ năm 2017, sau hơn 2 năm chờ đợi, khi bà Lan chuẩn bị lấy được hơn 200 triệu đồng thì chủ họ biến mất.
Còn với chị Bùi Thị Khởi, số tiền tham gia 2 bát họ trong nhiều năm qua. “Với số thứ tự 16/18, khi bát họ mới trả đến người thứ 15 thì bà Phượng biến mất, không trả tiền. Nếu đến lượt thì tôi sẽ lấy được 225 triệu đồng, đủ để trả tiền nợ sinh viên của cháu và có một khoản dư ra làm vốn cho con sau này” - chị Khởi đau xót nói.
Bà Khởi và đôi bàn tay còn nguyên bùn đất. |
Cùng chung bức xúc bà Bùi Thị Trưa (84 tuổi) – một nạn nhân khác của vụ việc, cho hay: “Nhiều người vẫn còn cơ hội tích cóp từ đầu nhưng toàn bộ 500 triệu dưỡng già của vợ chồng tôi cũng đều đổ vào đó hết.
Số tiền dưỡng già này được hai ông bà chắt chiu từng đồng suốt hàng chục năm qua rồi gửi góp vào ngân hàng để lấy lãi.
Khi hình thức góp họ đang ở cao trào với nhiều lời mời mọc từ các chủ họ, vợ chồng bà Trưa đã quyết định rút tiền trong ngân hàng ra để tham gia vào 10 bát họ, 9 bát 2 triệu/tháng và 1 bát 5 triệu/tháng.
Như vậy, mỗi tháng bà Trưa sẽ phải đóng 23 triệu tiền họ cho bà Phượng với mong muốn khi rút tiền, sẽ có một khoản lớn để hỗ trợ con cháu trong nhà và gửi lại tiền dưỡng già vào ngân hàng. Nhưng giống như bao nhiêu người khác là người đứng ở vị trí lấy tiền gần cuối cùng, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến lượt nhận tiền thì bà Trưa nghe được thông tin bà Phượng đã bỏ trốn.
“Ông nhà tôi đang đi thăm con nên không biết sự việc. Nếu ông ấy biết, tôi sợ ông ấy không chịu nổi mất vì bị huyết áp cao. Giờ tôi chỉ mong cô Phượng về để đòi hết nợ của người khác rồi trả tiền cho chúng tôi. Những người bốc họ sau này đều khó khăn lắm mới có tiền tham gia góp họ mà giờ lại bị lừa như thế”, bà Trưa buồn rầu nói.
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo UBND xã An Thắng cho biết, đã nắm được vụ việc bà Phượng bỏ trốn cùng số tiền hụi rất lớn của người dân.
Từ trước khi bà Phượng bỏ trốn, đã có nhiều mâu thuẫn giữa bà này và người chơi hụi trong và ngoài xã. Tuy nhiên người dân có liên quan đến vụ việc không trình báo chính quyền địa phương để cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Sau đó xã cũng nhận được đơn của hơn 100 người dân địa phương trình báo về việc bà Phượng lừa đảo số tiền lớn từ hình thức chơi họ góp với hơn 300 bát họ, mỗi bát có từ 25-30 người chơi. Ngoài ra trong đơn trình báo cũng nói đến những người chơi lớn, tham gia nhiều bát họ và đã lấy sớm số tiền lên tới hàng chục tỷ. Một số người đã rời khỏi địa phương cùng ngày với bà Phượng.
Hiện toàn bộ đơn trình báo được Công an xã tiếp nhận, báo cáo lên Công an huyện An Lão để vào cuộc điều tra. Cùng với đó, xã cắt cử cán bộ thường xuyên nắm tình hình, động viên người dân để tránh xảy ra mâu thuẫn, mất an ninh trật tự.
Theo Thượng Tá Nguyễn Đức Yên, Phó trưởng Công an huyện An Lão cho biết, sau khi nhận thông tin về vụ việc, Công an huyện đã cho cán bộ điều tra xác minh và mời những người có đơn lên làm việc để nắm bắt rõ nội dung. Đơn vị yêu cầu cán bộ điều tra thụ lý hồ sơ, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.