Diễn biến vụ việc đang bị thay đổi “bản chất”?
Đã 1 năm trôi qua, gia đình ông Lực gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại, tố cáo Công an, Viện KSND huyện Hà Trung… chưa minh bạch, bỏ sót nhiều tình tiết, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… trong việc điều tra, kết luận và giải quyết đơn thư của gia đình ông Lực.
Đơn khiếu nại khẩn cấp của ông Lại Thế Lực gửi Báo Người cao tuổi.
Vào khoảng 8 giờ sáng 13/2/2017, ông Hoàng Ngọc Hợi, thường trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa điều khiển xe ô tô BKS 36A 213.76 chở bệnh nhân chuyển tuyến từ Bệnh viện Hợp Lực đi Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau đó, ông Hợi chạy xe về Thanh Hóa, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khi lưu thông đến khu vực km296 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Hà Yên, huyện Hà Trung, đã gây tai nạn, khiến ông Lại Thế Hắc tử vong.
Theo ông Lực, Công an huyện Hà Trung ra Kết luận số 37, các văn bản, quyết định… trả lời đơn thư khiếu nại của ông không đúng với “bản chất” sự việc. Bởi lẽ, Kết luận số 37 chỉ dựa vào nhân chứng là ông Trần Văn Thăng để lấy lời khai, là chưa phù hợp với hiện trường vụ tai nạn, trong khi ông Thăng chỉ là nhân chứng gián tiếp chứng kiến vụ việc.
Ông Lực cho rằng, những căn cứ thiếu khách quan và minh bạch giữa Kết luận số 37 của Công an huyện Hà Trung, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Kết luận của Phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh… thể hiện:
Thứ nhất, ông Hắc đi xe máy dưới 50 phân khối, nhưng kết luận số 37 lại nói là xe mô tô; Việc khám nghiệm hiện trường, dựng hiện trường, gia đình ông Lực không hề hay biết; Vết quệt rộng 3 - 4cm ở hông xe ô tô bên phải, kéo dài từ cánh cửa trước đến hết thân bởi bàn để chân xe gắn máy bên trái, vết quệt càng rộng về cuối. Còn có vết quệt tại lốp bánh sau rộng bằng bàn tay ở la răng bánh xe ô tô, có một vết lõm rộng 2cm nứt sâu vào trong, những dấu vết này cho thấy sự va quệt khi tai nạn là lớn, nhưng Phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh lại không đưa những tình tiết đó vào Kết luận giám định.
Thứ hai, theo lời khai của ông Thăng, xe của ông Hắc đang đi ở làn thô sơ, xe ô tô của anh Hợi chạy ở làn giữa, đến điểm ngắt quay đầu về, cách 2 - 3m thì ông Hắc đột ngột chuyển hướng, không xi nhan, nên xe ô tô phải vòng theo để tránh và điểm va chạm giữa 2 phương tiện ở bên phải làn đường xe cơ giới bên trái. Theo kết luận, có 2 khả năng xảy ra: đoạn đường mà xe ô tô chuyển động là 2 - 3cm, tốc độ xe ô tô 60,75 - 64,5km/giờ sẽ tương ứng với thời gian dưới 0,2 giây xe ô tô sẽ cán đích. Cùng thời gian đó, thời điểm xe gắn máy ông Hắc phải di chuyển quãng đường 4 - 6m (gấp đôi quãng đường ô tô), sẽ tương ứng với vận tốc xe gắn máy của ông Hắc phải đạt tốc độ 120km/giờ. Xe gắn máy dưới 50 phân khối của ông Hắc không thể đạt được tốc độ đó, để vượt sang bên phải gây tai nạn.
Thứ ba, tại kết luận, điểm va chạm giữa 2 xe ở bên phải làn xe cơ giới bên trái, cách hình chiếu biển báo cấm đi ngược chiều phía Bắc là 1m. Nếu như vậy và phân tích ở các mục trên cho thấy, khi 2 phương tiện cọ sát nhau (vết cọ dài hết phần thân xe ô tô), khi hết cọ sát thì xe ô tô sẽ chạy sang phần đường bên kia (chiều Thanh Hóa đi Hà Nội, chuyển động của xe nằm sát với điểm ngắt phía Bắc). Nhưng thực tế hiện trường, vết phanh để lại trên đường cách đó 11m (theo khám nghiệm hiện trường), có hướng song song với hướng chuyển động của xe ô tô và cách 11m. Từ đó cho thấy, Kết luận số 37 trái với vật lí chuyển động; cùng một phương tiện, cùng thời gian, khi xe chuyển động không thể để lại vết phanh xuống đường song song với hướng chuyển động của mình và cách nhau đến 11m.
Thứ tư, tốc độ xe ô tô khoảng 60,75 - 64,5km/giờ, nhưng lập biên bản khám nghiệm, phanh xe chạy ở tốc độ 40km/giờ, 2 vết phanh in xuống đường song song dài 1,5m. Khi chạy tốc độ 50km/giờ, vết phanh in xuống đường là 2,8m. Trên thực tế tại hiện trường, vết phanh dài 20,6m và vết song song bên cạnh dài 17,5m. Nếu so sánh kết quả khám nghiệm phanh và vết phanh để lại hiện trường, thì kết luận giám định vô lí về tốc độ của xe ô tô, gia đình ông Lực có đề nghị cung cấp Kết luận số 37, Biên bản khám nghiệm tốc độ, nhưng không được đáp ứng.
Thứ năm, Kết luận số 37 của Công an huyện Hà Trung và Kết luận của Phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa có sự khác nhau rõ rệt về vị trí va chạm và diễn biến chuyển động. Kết luận của Phòng Kĩ thuật Hình sự nói, ông Hắc chạy ở làn xe thô sơ, ông Hợi lái xe ô tô chạy ở làn giữa, 2 xe chạy song song cùng chiều, xe ô tô có tốc độ lớn hơn. Khi đến điểm ngắt đường 1 chiều, thì xe ông Hắc đột ngột chuyển làn; khi va chạm, xe ô tô chuyển động hơi chếch về bên trái. Kết luận này không nói xe ô tô chuyển hướng trước, trong và sau khi tai nạn. Có thể thấy, theo kết luận này, vị trí va chạm giữa 2 phương tiện ở làn đường giữa, giáp với làn xe thô sơ. Còn theo Kết luận số 37 của Công an huyện Hà Trung, thì điểm va chạm ở làn xe cơ giới bên trái (cách xa vị trí này)…
Loại nhân chứng trực tiếp, đưa nhân chứng gián tiếp vào để kết luận!? Thông báo trả lời của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa
Ngay sau khi vụ tại nạn xảy ra, ông Thăng là nhân chứng gián tiếp được Công an huyện Hà Trung đưa vào thành nhân chứng trực tiếp với lí do: “phù hợp” với tình tiết vụ việc. Nhưng lại là “uẩn khúc”, bởi lẽ sau khi tai nạn xảy ra, ông Thăng là người cùng với lái xe Hợi của Bệnh viện Hợp Lực đưa ông Hắc đến chính Bệnh viện Hợp Lực, nơi ông Hợi công tác để cấp cứu.
Một lần nữa, bà Vệ, bà Dục tái khẳng định với phóng viên, ông Thăng không có mặt trực tiếp tại hiện trường. Khi tai nạn xảy ra rồi, ông Thăng mới có mặt. Trong thời gian Công an huyện lấy lời khai, bà Vệ và bà Dục khẳng định: “Ông Tuấn, cán bộ Công an huyện đến, đưa ra quyển sách đọc luật nói, “sai bà đi tù”. Sau đó, ông Tuấn viết 1 đoạn lại bỏ 1 đoạn trắng… tôi biết nhưng ít chữ “có nửa lớp 1”, tôi khai ít, nhưng không hiểu ông ấy viết gì dài thế… Sau đó cứ bắt tôi kí vào”.
Thậm chí, ông Lực (con ông Hắc) xuống nhà ông Thăng tìm hiểu, ông Thăng cũng tái khẳng định, khi nghe tiếng phanh kít kéo dài, ông Thăng nhìn ra đường thì thấy ông Hắc nằm chổng ngược, ngoài ra ông Thăng không biết gì thêm. Cũng trong hồ sơ của Công an huyện Hà Trung, trong biên bản có ghi lời khai của ông Thăng “Ông có nhìn thấy lúc va chạm không?”. ông Thăng trả lời: “Tôi không nhìn thấy”.
Tại Thông báo số 09/VKS-P12, ngày 15/1/2018 của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, trả lời kết quả kiểm tra giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, ghi: Do gia đình ông Lực không chấp nhận kết quả giải quyết của các cơ quan tố tụng huyện Hà Trung, nên tiếp tục gửi nhiều đơn đến các cơ quan, báo đài Trung ương đề nghị Viện KSND tỉnh Thanh Hóa xem xét lại việc giải quyết. Ngày 15/12/2017, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa thụ lí, xem xét lại nội dung đề nghị của ông Lực. Ngày 12/9/2016, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa làm việc với ông Lê Hồng Sưu, được ủy quyền của gia đình (tai nạn xảy ra ngày 13/2/2017, mà Viện KSND tỉnh Thanh Hóa lại làm việc trước khi vụ tai nạn như trong Thông báo số 09/VKS-P12)… căn cứ vào hồ sơ tài liệu, quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 37, ngày 17/7/2017 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hà Trung; Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/CSĐT ngày 15/9/2017 của Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an huyện Hà Trung… là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại quy định: “1. Người khiếu nại có các quyền sau đây: …d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước…”.
Luật quy định là vậy, nhưng Công an huyện Hà Trung lại chỉ đọc mà không hề cung cấp tài liệu, văn bản cho gia đình ông Lại Thế Lực về các kết luận, biên bản… để gia đình ông Lực có tài liệu chứng minh và khởi kiện ra tòa.
Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới đề nghị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc làm rõ những phản ánh nêu trên, tránh “oan khuất” cho người đã mất.
Thế Thực - Nguyễn Hải