Viêm ruột mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh
Sức khỏe 16/10/2024 13:54
1. Tổng quan về bệnh viêm ruột mạn tính
Ở cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe bình thường, hiếm khi mọi người chú ý đến hoạt động của hệ tiêu hóa trừ khi chúng gặp bất ổn, như trong trường hợp của bệnh viêm ruột.
Viêm ruột mạn tính là tên gọi chung dùng để mô tả hai bệnh mãn tính ở đường ruột gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Nhóm bệnh viêm ruột mạn tính được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính ở đường tiêu hóa (GI) do nhạy cảm về mặt di truyền sau phản ứng miễn dịch quá mức đối với một kích thích bình thường như thức ăn và hệ vi khuẩn đường ruột. Tình trạng viêm kéo dài này dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa và gây nên các triệu chứng của bệnh như: Tiêu chảy, tiêu phân máu, đau bụng,... theo từng đợt.
Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kì phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn và thường ảnh hưởng nhất đến đoạn cuối hồi tràng và đại tràng. Các vùng bị tổn thương xuất hiện thành từng mảng nằm cạnh vùng mô khỏe mạnh. Tình trạng viêm có thể xuyên qua nhiều lớp thành của đường tiêu hóa.
Ngoài đường tiêu hóa, cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng đều có nhiều biểu hiện ngoài đường ruột. Mặc dù ở hầu hết bệnh nhân các rối loạn có thể được phân biệt, nhưng ở ít nhất 10% bệnh nhân các đặc điểm giống nhau đến mức ban đầu không thể phân biệt được hai rối loạn này. Cả hai bệnh đều được phân loại theo mức độ (nhẹ, trung bình hoặc nặng) và vị trí.
2. Nguyên nhân gây viêm ruột
Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến phần dưới của ruột non, nơi nó nối với ruột già, khu vực được gọi là hồi cuối. Viêm loét đại tràng liên quan đến đại tràng và trực tràng.
Có nhiều nguyên nhân được cho là có liên quan nhưng không có một nguyên nhân nào phổ biến ở tất cả các bệnh nhân.
- Suy yếu miễn dịch.
- Di truyền từ cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột.
- Các yếu tố khác như môi trường, truyền nhiễm, miễn dịch, sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột đến bệnh viêm ruột mạn tính.
3. Triệu chứng gây viêm ruột
Bệnh viêm ruột có thể khó chẩn đoán do không có các triệu chứng rõ ràng ngay cả khi ruột đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm. Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là tiêu chảy và đau bụng.
- Tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng (có thể đến 20 lần/ngày). Tiêu chảy cấp có thể dẫn đến mất nước, trụy tim mạch, shock, nhịp tim nhanh, và tụt huyết áp. Nếu kèm mất máu, dù là mất một lượng máu nhỏ trong phân cũng có thể dẫn tới thiếu máu.
- Với bệnh Crohn, những người bị viêm ruột cũng có thể táo bón, điều này có thể xảy ra như kết quả của một tắc nghẽn trong lòng ruột.
- Máu trong phân. Quá trình thực phẩm di chuyển qua đường tiêu hóa có thể dẫn đến chảy máu. Máu đỏ tươi trong bồn cầu hoặc máu sẫm màu trộn với phân.
- Sốt, mệt mỏi và sụt cân cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân bị viêm ruột do thiếu ăn và mất nước vì tiêu chảy và viêm ruột mạn tính.
- Viêm ruột có thể ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác của cơ thể như viêm nhiễm ở các khớp, mắt, da và gan, vùng hậu môn có thể xuất hiện các áp xe và trĩ.
- Trẻ mắc bệnh viêm ruột loét đại tràng hay bệnh Crohn có thể sẽ chậm lớn và chậm dậy thì do thiếu hấp thu dưỡng chất.
Ở một số người mắc bệnh viêm ruột mạn tính, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các vùng cơ thể bên ngoài ruột chứ không hẳn chỉ biểu hiện tại ruột như:
- Mắt có thể đỏ và viêm do viêm thượng củng mạc hoặc viêm màng bồ đào.
- Viêm, lở và loét miệng.
- Gan nhiễm mỡ.
- Sỏi mật và viêm đường mật.
- Sỏi thận, thận ứ nước, rò và nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Viêm khớp ở các chi và khớp cột sống.
- Viêm mạch máu.
4. Chẩn đoán và điều trị viêm ruột mạn tính
Chẩn đoán bệnh viêm ruột mạn tính đòi hỏi sự kết hợp của lâm sàng, kết quả hình ảnh học và sinh thiết.
Mặc dù không có phương pháp điều trị khỏi bệnh viêm ruột mạn tính nhưng có thể điều trị giảm viêm và giải quyết các triệu chứng bằng nhiều liệu pháp khác nhau.
Mục tiêu của việc điều trị bệnh này bao gồm ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai và chữa lành những tổn thương trong ruột (cả ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc). Vì bệnh viêm ruột mạn tính cũng thường gây ra các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể nên phương pháp điều trị cần có sự tham gia của nhiều khoa khác như mắt, da, mạch máu,.. để cải thiện toàn diện các triệu chứng bệnh.
Các phương pháp điều trị viêm ruột mạn tính có thể bao gồm thay đổi về chế độ ăn uống, lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật,… giúp giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.